Người chiến sĩ Nam tiến năm xưa (19/09/2012)
Đó là một công trình kiến trúc đẹp, cửa cao, trần thoáng, hiên rộng. Gió từ ngoài vào cứ len lỏi quanh những đồ đạc được sắp đặt cẩn thận trong phòng. Ông Trần Quốc Thái (ảnh) có mái tóc trắng như cước, nụ cười tươi. Nhâm nhi ly cà phê, ông thong thả kể:
“Tôi sinh năm 1918, ở xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, tên bố mẹ đặt cho là Trần Đức Phấn. Năm 1938, chưa học hết bậc thành chung (THCS bây giờ), tôi lên Hà Nội làm giáo viên tiểu học trường tư thục Công Thanh, số 3 Thụy Khuê, do nhà văn Nam Cao làm hiệu trưởng. Trường có 5 lớp khoảng 150 học sinh, chúng tôi rất đoàn kết, siêng năng dạy và học. Những tưởng cứ sống được mãi với nghề, nhưng đến năm 1940, phát xít Nhật tràn vào Lạng Sơn rồi Hà Nội, cảnh loạn ly xảy ra, tôi phải về quê tạm lánh. Nhớ lớp, tôi lân la đến các trường quanh vùng mong tìm được việc, có tiền nuôi miệng đỡ gia đình. Thế là tôi gặp được ông Phạm Văn Lịch, đảng viên, cán bộ Việt Minh hoạt động dưới Thái Bình bị lộ, lên làng Phú Nhị quê tôi dạy học và gây cơ sở. Ông nói với tôi về Việt Minh, về tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc và giao cho tôi một số việc như nắm tình hình trong nhân dân, đưa thư, liên lạc một vài nơi… Tháng 9-1942, ông chính thức kết nạp tôi vào Đoàn thanh niên cứu quốc.
Thời gian này, chính quyền tay sai huyện Lý Nhân ngoài tri phủ còn một án hình (lo tư pháp), một huấn đạo (lo giáo dục), một thừa phái (giúp việc cho tri phủ) và một tiểu đội lính bảo vệ. Dưới xã còn có đủ chánh tổng, lý trưởng và các bậc sai nha. Khi hệ thống ngụy quyền này kêu cứu thì có lính khố đỏ, khố xanh hoặc quân Pháp về càn quét. Tuy vậy, chúng tôi vẫn xây dựng được tổ chức thanh niên cứu quốc ở các làng, giúp nhau học văn hóa, tập võ thuật, đánh trận giả. Tôi còn nhờ thợ trong làng rèn cho một thanh gươm sắt, buộc một mảnh vải đỏ ở chuôi, đi đâu cũng kẹp vào bên nách. Sau ngày 19-8-1945, giành chính quyền ở Hà Nội, đồng chí Lê Quang Tuấn, thay mặt Đảng bộ Hà Nam về trực tiếp chỉ huy giành chính quyền ở Lý Nhân. Chúng tôi vận động nhân dân kéo về huyện đường rồi cùng tự vệ bắt tri phủ giao nộp ấn tín, sổ sách, tước vũ khí của lính bảo vệ và thành lập chính quyền cách mạng. Tại đây, tôi được cấp trên giữ lại làm cán bộ thoát ly cho huyện. Nhiệm vụ của tôi là về hai tổng Văn Quang và Cao Đài bắt liên lạc với cơ sở, xây dựng chính quyền các xã. Lúc này uy tín của Việt Minh và khí thế cách mạng rất lớn, tổng Văn Quang có 9 xã, tổng Cao Đài 10 xã, tôi thăm dò uy tín, khả năng từng người rồi chỉ định chức danh cho mỗi xã một chủ tịch, một phó chủ tịch, thư ký và trung đội trưởng tự vệ. Xong việc, tôi được về Hà Nội học khóa 1 Trường quân chính Phan Đình Phùng”.
Tháng 10-1945, Trường quân chính lựa chọn 72 học viên cả chính trị và quân sự đi Nam tiến, trong đó có ông Phấn, được đổi tên là Trần Quốc Thái. Lên tàu hỏa ở ga Hàng Cỏ, từ Nghệ An trở vào, mỗi tỉnh được bổ sung một số học viên để huấn luyện cho lực lượng vũ trang. Đoàn vào đến Biên Hòa còn 34 người, ông Thái được về Trung đội 3, Đại đội 3, Chi đội Nam Long (Chi đội giải phóng quân đầu tiên của Nam Bộ). Ông tham gia chiến đấu trên cầu Bình Lợi, sau đó chuyển ra Bình Thuận, Liên khu 5 chiến đấu, trở thành Trưởng ban chính trị Trung đoàn 812, kiêm Tỉnh ủy viên, phụ trách củng cố chính quyền ba huyện Đa Hòa, Phan Lý và Tuy Phong. Cuối năm 1954 ông tập kết ra Bắc, đi học rồi lại vào Nam làm Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 324. Chín năm sau, ông ra Bắc làm Chính ủy Đoàn điện ảnh quân đội. Năm 1971 ông được biệt phái sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, làm Vụ phó Vụ Hưu trí. Thời kỳ này, mỗi xã, phường đã có một số nhỏ cán bộ từ cấp huyện trở lên, có trình độ, năng lực tốt nhưng về hưu. Ông đã nghiên cứu đề xuất thành lập Ban liên lạc hưu trí ở ba cấp xã, huyện và tỉnh. Nơi nào đủ điều kiện thì thành lập chi bộ trực thuộc đảng bộ địa phương để họ tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương. Đây là lực lượng nòng cốt để thành lập Hội Người cao tuổi sau này. Năm 1980, ông nghỉ hưu, với quân hàm Thượng tá, tại phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về đời thường, ông liên tục tham gia các chức danh, tổ cán bộ hưu trí, ban thương binh, liệt sĩ, thường vụ đảng ủy, chủ tịch MTTQ phường, Ban công tác mặt trận tổ dân phố, chi hội trưởng kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ người cao tuổi của phường. Câu lạc bộ xuất bản được 26 tập thơ với gần 1.500 bài của những người cao tuổi yêu thơ và làm thơ. Nay đã 94 tuổi, ông vẫn là chi hội trưởng người cao tuổi của tổ dân phố.
Lão thành cách mạng Trần Quốc Thái được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu vinh dự khác của Trung ương, thành phố và quận, phường.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm