Người CCB vượt khó nuôi con
Năm 1972, vừa học hết phổ thông, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Trần Anh Vũ xung phong lên đường nhập ngũ. Trong 10 năm rèn luyện phục vụ quân đội, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đào tạo trở thành sĩ quan, giảng viên của một trường kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Nhưng rồi do hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ già đau yếu thường xuyên, con cái nhỏ dại nên năm 1982 Trần Anh Vũ làm đơn xin về phục viên.
Trở về đời thường, hai vợ chồng ông tần tảo sớm hôm quyết tâm nuôi con ăn học. Những năm 1995 điều kiện gia đình quá khó khăn, nên cô con gái cả Trần Lệ Thu mặc dù là học sinh giỏi nhưng phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ, giảm chi phí cho gia đình. Còn lại hai người con trai của ông Vũ đều học rất giỏi ở các cấp học và được xếp vào các lớp chọn, trường chuyên của huyện và tỉnh, rồi lần lượt thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Do kinh tế của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên ông Vũ phải vay vốn ngân hàng để chu cấp cho hai con ăn học, nhiều năm gia đình nằm trong diện hộ nghèo của thôn.
Đáp lại công lao sinh thành, dưỡng dục và sự cần lao của cha mẹ, Trần Anh Phong sau khi tốt nghiệp đại học được cử đi đào tạo tiến sĩ 6 năm ở Mỹ, trở thành giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Úc và được phong hàm Phó giáo sư. Trần Anh Quang học xong đại học đi làm cán bộ kỹ thuật cho một Công ty nước ngoài với mức lương 100 triệu đồng/tháng, gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Nay ở tuổi gần 70, CCB Trần Anh Vũ không còn phải lo toan vất vả. Đây chính là phần thưởng quý giá cho vợ chồng ông trong việc đồng lòng vượt khó nuôi con ăn học. Hai vợ chồng ông có thêm điều kiện để tham gia hoạt động các phong trào ở địa phương trong các đoàn thể Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi. Với người dân xã Quế Nham thì gia đình ông Trần Anh Vũ thực sự là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất, vượt khó để nuôi dạy các con thành tài.
Quang Toản