Người CCB “không sợ chết” (11/03/2011)
Tôi đã may mắn gặp ông vào ngày đầu xuân năm mới - mồng một Tết Tân Mão. Sau buổi chào cờ đầu năm, tôi theo đoàn cán bộ xã Quảng Minh đến thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, thăm những gia đình có công với cách mạng trong xã. Chủ tịch xã Hoàng Minh Thuận giới thiệu ông Duệ là người cán bộ cựu trào, người đảng viên có huy hiệu “Sáu mươi năm tuổi Đảng”, có “Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy”. Nhà ông Duệ ở sát chợ Mới, phía dưới trụ sở UBND xã.
Ngày mồng 6 Tết tôi dành một ngày đến chơi với ông, để nghe ông kể về cuộc đời “không sợ chết”…
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 15-1-1946 ông Trần Duệ vào Vệ quốc đoàn, tham gia kháng chiến. Ông được biên chế vào đại đội 11, tiểu đoàn Lê Trực, tiểu đoàn chủ lực của tỉnh. Ông theo đơn vị hết vào Quảng Trị lại hành quân ra Bắc, đánh giặc ở Quảng Bình. Kể từ ngày giặc Pháp đổ bộ Quảng Bình đến cuối năm 1948, đơn vị ông đã tham gia chiến đấu 30 trận lớn, nhỏ. Trận đánh đồn Võ Thuận (Tây Trạch, Bố Trạch) năm 1948, ông đã bị thương. Lành vết thương ông được điều về làm trung đội trưởng thuộc đại đội 2, do đồng chí Nguyễn Hòa làm đại đội trưởng ở trung đoàn 18 (trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Hòa được phong cấp Tướng). Năm 1949, ông được cử làm giáo viên huấn luyện cán bộ hạ sĩ quan đóng tại Đại Khúc, Vạn Xuân (Vạn Ninh, Quảng Ninh). Năm sau, ông về đại đội 3 của trung đoàn, tiếp tục chiến đấu. Tháng 6-1951, trung đội của ông bị giặc Pháp phục kích tại thôn Trần Xá (Quảng Ninh). Một mình, một súng, ông đã chiến đấu ngoan cường chặn địch cho đồng đội thoát hiểm. Bắt được ông, bọn chúng hí hửng lắm. Chúng giở trò dụ dỗ ông theo chúng không được bèn quay sang tra tấn hết sức dã man. Chúng treo ngược ông lên xà nhà rồi dùng dùi cui, báng súng mà đánh. Ba tháng tù đày tại nhà lao Đồng Hới, ông đã bị chúng đánh gãy mất hai chiếc xương sườn. Tháng 9-1951, chúng chuyển ông vào Đà Nẵng, sau đó vào nhà lao “Hành Thông Tây”, ở Sài Gòn. Đây là một nhà lao đặc biệt, giặc Pháp dùng để giam các sĩ quan ta. Nhà giam sát sân bay Tân Sơn Nhất nên chúng canh phòng rất cẩn mật. Hòa bình lập lại, tháng 5-1955, ông được địch trao trả tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Tháng 7-1955, ông trở về hậu phương làm bí thư chi bộ rồi sau đó làm chủ nhiệm HTX Nam Minh Lệ. Ngày giặc Mỹ ném bom miền Bắc, xóm Nam Minh Lệ là trạm trung chuyển Bắc - Nam nên trở thành trọng điểm bắn phá của máy bay địch (xóm Nam Minh Lệ ở sát bờ Bắc của hai nhánh sông Nan và sông Son, hợp lưu tại chợ Mới, chạy xuống Quảng Văn, đổ ra Cửa Gianh). Giặc Mỹ đã thả bom na-pan, phốt-pho dọc theo bờ sông để đốt các kho hàng của Nhà nước gửi trong dân. Xóm Nam bị chúng đốt đi, đốt lại nhiều lần; bà con phải sơ tán ra xóm Bắc. Ông ở lại chỉ đạo lực lượng dân quân bám trụ bảo vệ hàng hóa, đánh trả máy bay địch. Năm 1968, một chiếc ca-nô của một đơn vị bộ đội ở Cổ Giang, Cù Lạc (Bố Trạch) do chiến sĩ tên là Bùi Gia Hoạt lái từ phà Gianh đến Giếng Mối của xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) thì bị trúng bom từ trường, lật úp xuống giữa dòng sông Non. Thời gian này, máy bay địch đánh phá phà Gianh và con đường rẽ chạy từ bến Mới qua rừng thông Ba Trại suốt ngày đêm. Sau ba ngày họp trên huyện về, nghe đồng chí Hiếu, bí thư Đảng ủy báo lại: Đã có nhiều ngư dân giỏi đến lặn để lấy xác chiến sĩ lái ca-nô nhưng không được. Ông đã cùng các chiến sĩ của đơn vị, chèo thuyền đến vị trí chiếc ca-nô bị bom. Chiếc ca-nô chìm sát đáy của con lạch với độ sâu hơn 3 sải nước. Nước chảy đã đẩy chiếc ca-nô trôi đi khá xa so với vị trí ban đầu. Khi lặn xuống, ông vẫn không tìm được cửa vào buồng lái. Mặc dù máy bay địch đang còn quần thảo trên bầu trời, bọn địch có thể bắn xuống bất cứ lúc nào nhưng ông không nản lòng. Qua nhiều lần mò mẫm, ông đã xác định được cửa ra, vào nằm sát đáy sông nhưng chỉ chui lọt được một người. Có một sợi dây buộc vào cổ chân người lái chứng tỏ có người đã dùng dây để kéo nhưng lực đẩy của nước đã đẩy xác người lái nổi lên phía đáy ca-nô, không thể kéo được. Ông rờ rẫm khắp người lính để phán đoán không gian trong buồng lái. Ông cố hết sức đẩy anh nhưng không hiểu người lính mắc kẹt chỗ nào không ra được. Không có bình dưỡng khí phải nín thở quá lâu dưới dòng nước chảy xiết làm ông kiệt sức. Các anh bộ đội chở ông vào nằm nghỉ dưới bóng lùm cây bần, đước ven bờ. Nằm trên thuyền, ông nhắm mắt lại cố tưởng tượng lại từng động tác mò mẫm khi ở dưới nước để hình dung ra vị trí của người lái. Lần này, ông lặn vào ôm lấy xác anh rồi dùng chân đạp lên phía trên vào đáy ca-nô để dìm hai người xuống đáy và đẩy anh qua lỗ hổng ra trước. Cả người ông và anh bộ đội vẫn cứ nổi trồi lên, đầu ông va vấp vào các bộ phận phía đáy ca-nô đau điếng. Mặc! Ông lấy hết sức bình sinh đạp vào các vật xung quanh cố nhoài người về phía ô cửa. Cuối cùng, ông ôm được xác chiến sĩ lái ca-nô nổi lên trên mặt nước trước niềm cảm phục của mọi người.
Tôi hỏi:
- Nếu xác người lính mắc kẹt lấy cửa thì bác ra làm sao kịp.
Ông cười:
-
Lúc đó bác không nghĩ đến điều ấy. Bác chỉ tập trung mọi ý nghĩ là phải đưa được xác đồng đội mình lên khỏi mặt nước thôi. Nếu chậm một chút nữa thì chắc là bác chết. Mà sao lúc ấy bác nín thở được lâu thế không biết.
-
Sau đó… tôi muốn hỏi ông về sự đãi ngộ của Nhà nước sau này.
Biết ý tôi ông lại cười. Nụ cười đôn hậu, vô tư của con người ít khi nói về mình:
-
Mình làm được việc gì có ích cho dân, cho nước là hạnh phúc lắm rồi. Bác đã được thưởng huy hiệu Anh hùng Nguyễn Văn Bé. Năm 1969, bác sang Lào làm chuyên gia giúp bạn thì ở nhà các đồng chí trong Đảng ủy đã lập hồ sơ đề nghị trên tặng danh hiệu dũng sĩ giao thông cùng một đợt với liệt sĩ Đoàn Chon. Mấy năm đó bác và bác Chon đã cùng lực lượng dân quân trong xã, rà phá bom từ trường địch thả trên các đoạn sông Son và sông Nan chạy qua địa bàn.
-
Trong đời có lần nào bác cận kề cái chết như thế nữa không?
-
Có chứ!
Ông sôi nổi kể lại những năm tháng hoạt động ở Lào. Ngay cả khi đất nước Lào hoàn toàn giải phóng rồi, có lần ông bị bọn phỉ ám sát hụt. Ông chỉ cho tôi xem tấm huân chương hạng nhất viết bằng chữ Lào mà ông đọc là “Xả nạ lợt”, do đồng chí Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ký năm 1998, bên cạnh những huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại viết bằng chữ Việt.
Tạm biệt người CCB già, tôi biết lâu nay mình có lỗi. Trong cuộc đời con người, ai mà “không sợ chết”. Một con người “không sợ chết” như ông Trần Duệ ở ngay làng tôi mà bấy lâu tôi không hề tìm hiểu để viết, bởi ông sống quá khiêm nhường. Chúng ta càng tôn vinh những con người “không sợ chết” những con người biết cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước như ông.
Hoàng Minh Đức