Người CCB cắm cờ giữ đảo Len Đao
Tại nhà riêng, ông hồ hởi cho chúng tôi xem rất nhiều những tấm ảnh gắn cuộc đời mình với biển đảo quê hương và nghẹn ngào kể lại: Lúc đó tôi được giao làm Chỉ huy trưởng Cụm 2 Sinh Tồn (bao gồm các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn, Huy Gơ…). Đúng vào những thời điểm cam gho nhất, chúng tôi được đón một Tổ công tác đặc biệt gồm 3 sĩ quan của Tổng cục Chính trị đến làm nhiệm vụ (gồm Đại úy Đinh Xuân Bình, Đại úy Đỗ Ngọc Bình và Thiếu úy Bùi Quang Tiến). Tổ công tác do Đại úy Đinh Xuân Bình làm Tổ trưởng và mang theo một giàn loa OZC78 rất “khủng” của Liên Xô (cũ) để làm nhiệm vụ “đấu khẩu” với các tàu của Trung Quốc. Khi xảy ra trận hải chiến ngắn ngủi 14-3-1988, tôi cùng Tổ công tác đặc biệt (CTĐB) vừa làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, vừa yêu cầu phía Trung Quốc để 2 tàu Đại Lãnh và Mỹ Á (treo cờ Chữ Thập đỏ) vào khu vực đảo Gạc Ma của ta để cứu hộ, vớt thương binh, tử sĩ nhưng họ đã phớt lờ, không cho vào. Sau đó chúng tôi được lệnh ra đảo Cô Lin-Len Đao để tìm kiếm và triển khai công tác tìm kiếm thi thể anh em và trục vớt tàu HQ-604, HQ-605 bị bắn chìm...
Trong khoảng 3 tháng liên tục, tình hình diễn biến thuộc khu vực biển, đảo Cụm 2 Sinh Tồn do chúng tôi đảm nhiệm rất căng thẳng. Đã vậy, gió to, sóng lớn, những lá cờ đỏ sao vàng của ta cắm khẳng định chủ quyền trên đảo Len Đao bị đổ và trôi mất. Ngay lập tức chúng tôi cùng Tổ CTĐB triển khai việc cắm lại lá cờ. Trong khi đó các tàu của Trung Quốc đậu gần khu vực đảo Gạc Ma theo dõi nhất cử, nhất động của ta ở Len Đao rất sát sao. Để cắm lại được lá cờ lên mỏm san hô chúng tôi phải đi bằng xuồng cao su. Chiều 22-4-1988, chúng tôi đã vào được và cắm lá cờ Tổ quốc đúng vị trí. Tấm ảnh có được là do các anh trong Tổ CTĐB chụp. Sau 29 năm được thấy lại hình ảnh của mình trong những ngày tháng chủ quyền của ta trên biển cam go nhất, do đó tôi vô cùng xúc động và biết ơn đồng đội của tôi...
Bài và ảnh: Công Thi