Ăn chay đối với người cao tuổi là chế độ ăn tốt cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người cao tuổi không nên ăn chay trường.

Hiện nay, có nhiều phương pháp ăn chay được du nhập và áp dụng tại Việt Nam. Thông thường, ăn chay là chế độ ăn thiên về tiêu thụ những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như rau, củ, quả, các loại hạt...) không có thịt động vật.

Đầu tiên cần khẳng định, ăn chay đối với người cao tuổi cũng là một trong những chế độ ăn tốt cho sức khỏe, lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật nếu sử dụng hợp lý.

Chế độ ăn chay sẽ cung cấp nhiều chất xơ, giúp chống táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, điều hòa huyết áp, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, thanh lọc cơ thể, đào thải cholesterol xấu ra bên ngoài...

Theo tuổi tác, các chức năng của cơ thể cũng bị giảm sút, trong đó có hệ tiêu hóa, nên cơ thể người cao tuổi sẽ dễ chấp nhận các món ăn giàu đạm từ thực vật như đậu phụ, đậu đỗ khác.

Tuy nhiên, người cao tuổi không nên ăn chay trường, đặc biệt với người có bệnh mạn tính. Người cao tuổi chỉ nên thỉnh thoảng ăn chay hoặc mỗi tuần 2 ngày cho cơ thể nhẹ nhàng bởi chế độ ăn chay trường khiến cơ thể bị thiếu các chất dinh dưỡng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì thực phẩm ăn chay chủ yếu ngũ cốc, rau, củ, quả và các loại hạt nên cơ thể bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... dẫn tới thiếu máu. Ngoài ra, người cao tuổi vẫn cần được bổ sung các chất dinh dưỡng từ nguồn gốc động vật, cần cân đối tỷ lệ các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, để cung cấp tối đa các dưỡng chất có trong nhiều nguồn thực phẩm. Vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe đối với người cao tuổi, đặc biệt với người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính.

Minh Anh