Người cắm cờ ở Bộ chỉ huy liên quân Việt - Mỹ

Đỗ Viết Thành quê Đình Bảng (Bắc Ninh), nhập ngũ đầu năm 1971, được biên chế thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 42, Quân khu 3. Đầu tháng 11-1971, Trung đoàn hành quân vào chiến trường Tây Nguyên đổi thành Trung đoàn 24B thuộc Sư đoàn 320. Qua tham gia chiến đấu, ngày 19-3-1972, Đỗ Viết Thanh được kết nạp Đảng. Là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 Đỗ Viết Thành, tham gia chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 24 được giao nhiệm vụ là lực lượng binh chủng hợp thành thọc sâu từ hướng tây bắc Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tây Sơn Nhất, Bộ tư lệnh không quân, Bộ tư lệnh dù; bảo vệ Phái đoàn quân sự của ta ở Trại Đavit. Tin tưởng một đảng viên, một Tiểu đội trưởng, đại đội giao nhiệm vụ cho Đỗ Viết Thành cắm cờ ở Bộ chỉ huy liên quân Việt - Mỹ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhận nhiệm vụ quan  trọng và vinh dự này, Thành biết trận chiến cuối cùng sẽ vô cùng ác liệt, đòi hỏi ở người đảng viên phải chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chiếc xe bọc thép K63 của tổ cắm cờ trong mũi thọc sâu của Trung đoàn 24 là một trong năm mũi thọc sâu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 ngồi trên xe tăng, xe bọc thép, là mũi đột phá. Tiểu đoàn 6 ngồi trên xe ô tô vận tải. Tổng số 200 xe, gồm xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo 85 ly mặt đất, xe kéo pháo 37 ly phòng không. 5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, từ khu rừng non Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, đội hình nhằm Sài Gòn thẳng tiến.

Gần trưa 29-4-1975, sắp đến Củ Chi, đoàn gặp 4 chiếc xe M48 và bộ binh ngụy lao ra đánh chặn. Lập tức xe tăng và hỏa lực của ta tấn công; quân địch bắn trả yếu ớt rồi tháo chạy. Một quả M79 trúng xe bọc thép của Đỗ Viết Thành làm xạ thủ súng 12ly7 bị thương vào đầu; Trung đội phó Cán băng bó rồi đưa xuống xe giao cho cứu thương.

Để ngăn chặn đường tiến quân của ta, địch đổ xăng trên mặt đường rồi châm lửa đốt, xe phải dừng lại dập lửa. Khi ngọn lửa vừa bị khống chế, xe của Thành đóng sập cửa lao qua lửa khói. Đến một vị trí, địch kéo xe vận tại GMC chắn ngang đường, đánh xịt lốp, chặn đường; tổ công binh của Tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Đạo và Lại Văn Căn đưa 120kg bộc phá vào gầm trước xe, kích nổ; sức nổ của bộc phá chỉ hất ngược xe lên lại rơi xuống. Tiểu đoàn trưởng Chuyển nhảy khỏi xe chỉ huy xe tăng kéo xe ô tô khỏi đường. 12 giờ 30 phút, mũi thọc sâu áp sát ngã tư Bảy Hiền, được lệnh dừng lại củng cố công sự sẵn sàng chiến đấu, chờ sáng hôm sau tấn công tiếp.

Sáng ngày 30-4-1975, xe tăng cùng bộ binh Đại đội 7 mở cuộc tấn công dũng mãnh đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền. Mũi thọc sâu tiếng theo đường Võ Tánh, đánh chiếm cổng số 5 Tân Sơn Nhất. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Xe bọc thép của Thành chạy bên trái đường, khuất nhà gác; xe của Đại đội trưởng Trịnh Bá Tư đi giữa đường; địch trên gác hai bắn trúng đầu xe, Đại đội trưởng cùng kíp xe hy sinh. Sau khi phát hiện ổ đề kháng của địch, một tổ đã áp sát mục tiêu, diệt ổ đề kháng. Cửa mở thông, trong lửa khói nghi ngút, chiến sĩ biệt động chỉ đường, xe của Thành lao qua cổng số 5, nhằm hướng Bộ chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ thẳng tiến. Xe dừng lại trước ngôi nhà 3 tầng, Thành nhảy khỏi xe, tay trái cầm cờ, tai phải kẹp khẩu AK, cùng chiến sĩ Công chạy vào ngôi nhà có đông người đang nhốn nháo. Thành bắn mấy loạt AK uy hiếp rồi hô lớn:

- Hàng thì sống, chống thì chết!

Từ trong nhà, những cái que buộc khăn trắng thò ra khỏi cửa xin hàng, chúng đều là lính dù, có đến 30 tên; nhiều đứa đầu và chân tay quấn băng trắng xóa.

Thành chạy nhanh lên bậc thang. Công theo sau đến cột cờ, nhanh tay kéo lá cờ vàng có ba sọc đỏ ném xuống đất, kéo lá cờ Giải phóng nửa xanh nửa đỏ lên đỉnh cột cờ. Lá cờ tung bay phấp phới trên nóc nhà Bộ chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ vào trưa ngày 30-4-1975.

Năm 1976, Đỗ Viết Thanh giải ngũ trở về xây dựng quê hương. Trở về chưa được bao lâu, năm 1979 đã được xã bầu làm Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp, năm 1999, HTX chuyển sang thành HTX dịch vụ nông nghiệp. Dường như ý chí và tâm huyết của một đảng viên, một người lính từng xông pha trận mạc được phát huy và nở rộ ở vị trí mới. Vừa làm lãnh đạo, vừa học hàm thụ đại học, Chủ nhiệm Đỗ Viết Thành có nhiều sáng kiến, kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất, đưa HTX trở thành điển hình của tỉnh Bắc Ninh và Ngành Nông nghiệp toàn quốc. Cá nhân Đỗ Viết Thành nhiều năm liền được công nhận Chiến sĩ Thi đua toàn quốc Ngành Nông nghiệp.

Phẩm chất tốt đẹp được tôi luyện trong chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên gian khổ và ác liệt, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được CCB Đỗ Viết Thành phát huy trên mọi lĩnh vực công tác, xứng đáng là một chiến sĩ của Trung đoàn “Trung Dũng, luôn luôn Trung Dũng” như Bác Hồ kính yêu khen tặng.

Trần Thế Thi