Người bác sĩ có tấm lòng nhân hậu (28/03/2013)
Ngày 16-3-2013, trung tâm tròn 13 năm thành lập. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận điều trị, phục hồi sức khỏe cho hơn 11.000 người nghiện ma túy. Kết quả đó là do tâm sức của đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, công nhân viên (CBCNV) toàn trung tâm; trong đó BS Khánh Duy giữ vai trò chủ đạo, bởi ông là người khởi xướng thành lập Trung tâm, xây dựng phác đồ điều trị và trực tiếp chữa bệnh cho hàng ngàn người nghiện ma túy.
Một buổi chiều giữa tháng 3-2013, chúng tôi đến thăm TTĐDCNMTTĐ nằm bên bờ sông Sài Gòn, thấy các học viên chia thành từng nhóm tập thể dục thể hình, chơi bóng chuyền, hoặc đọc sách báo, xem tivi... Nhìn những thanh niên khỏe mạnh vui chơi, giải trí hồn nhiên, sôi nổi, không thể nhận biết họ là những người nghiện ma túy nặng tự nguyện vào đây điều trị. Trong phòng giao ban của trung tâm, chúng tôi thấy trên bàn trưng bày rất nhiều cúp tôn vinh doanh nghiệp và ven tường treo các loại bằng khen không còn chỗ trống. Trong câu chuyện thân tình, bác sĩ (BS) Khánh Duy kể với chúng tôi cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trọng tâm là việc chữa trị cho những người nghiện ma túy từ khi ông nghỉ hưu.
Đầu năm 2000, vừa nghỉ hưu, dù tỉ lệ mất sức trên 61%, nhưng ông không nghỉ ngơi mà tập hợp các đồng nghiệp là những CCB quen thân thành lập TTĐDCNMTTĐ. Đây là công việc mới lạ đối với các CCB, nhưng với ông thì đã từng trải, có nhiều kinh nghiệm. Năm 1976, ông công tác tại trại giam Chí Hòa, góp phần chữa bệnh cho can phạm, trong đó có hàng ngàn người nghiện ma túy. Từ năm 1995-2000, về làm Hội thẩm TAND TP Hồ Chí Minh, tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Qua thực tế, ông nhận thấy ma túy thực sự là hiểm họa của gia đình và xã hội, nó hủy hoại nhân cách, đạo đức, thể lực con người, là nguyên nhân chính lây nhiễm căn bệnh HIV/AIDS. Vì thế, ông quyết định vận động đồng nghiệp cứu những người lỡ sa vào “cái chết trắng”, góp phần ngăn chặn hiểm họa ma túy đang xâm nhập vào giới trẻ.
Thời kỳ đầu thành lập, trung tâm phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông đã quy tụ được đội ngũ gồm các CCB là những thầy thuốc và thầy dạy nghề tận tâm với công tác xã hội. Buổi đầu chỉ có vài chục người, nay tăng lên 148 người. Từ đội ngũ ấy, ông đã thành lập các tổ chức chính trị-xã hội như Hội CCB, Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… đóng vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động của trung tâm. Ông nói: “Ở nhiều doanh nghiệp, có tổ chức Đảng rồi mới có các đoàn thể quần chúng. Riêng trung tâm chúng tôi thành lập Hội CCB trước gồm 30 hội viên, từ đó làm nòng cốt tổ chức chi bộ Đảng và các đoàn thể. Điều thuận lợi là tất cả ban giám đốc trung tâm đến các tổ chức chính trị-xã hội đều do hội viên CCB phụ trách, nên tạo được sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.”
Do chịu khó học hỏi, có nhiều kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng, BS Khánh Duy đã nghiên cứu phác đồ điều trị, biên soạn bộ tài liệu hơn 3.000 trang về CNMT, phục hồi sức khỏe, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của trung tâm. Nhờ đó, trung tâm là đơn vị tư nhân duy nhất trong cả nước được Bộ LĐTBXH cấp phép thực hiện toàn bộ quy trình CNMT. Theo quy trình này, học viên vào đây được điều trị trên 6 tháng, gồm các giai đoạn cắt cơn giải độc, nâng cao sức khỏe, kết hợp tư vấn giáo dục trị liệu nhằm gọt giũa, phục hồi nhận thức-hành vi-nhân cách, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nội tâm của người nghiện. Khi học viên trở lại cuộc sống bình thường sẽ được học nghề theo sở thích để tái hòa nhập cộng đồng. Tất cả học viên vào trung tâm đều được chăm sóc chữa bệnh, ăn uống, sinh hoạt, vui chơi điều độ, có nền nếp theo những quy chế cụ thể. Nhờ đó mà học viên tự giác ghép mình vào các hoạt động của trung tâm, thực hiện đúng chỉ dẫn của các bác sĩ, không có tình trạng quậy phá, thẩm lậu ma túy…
Từ năm 2008, trung tâm có thêm khoa chống tái nghiện bằng thuốc Naltrexone (là chất làm mất cảm giác thèm nhớ, tìm kiếm ma túy), kết hợp với tư vấn và các biện pháp tâm lý, giáo dục, sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình. Với mô hình cai nghiện tiên tiến đó, kết quả sau 4 năm điều trị cho hơn 1.000 người, gần 70% số người chưa tái nghiện, trên 40% số học viên ngoại trú có việc làm ổn định. Học viên đến trung tâm chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, một số địa phương trong nước và cả kiều bào, người nước ngoài. Đối với thân nhân của các CCB và gia đình chính sách, người nghèo đến CNMT, được trung tâm xét miễn giảm học phí.
BS Khánh Duy năm nay đã 67 tuổi, rất cần người kế nghiệp. Dù biết rằng CNMT là việc làm có nhiều nguy hiểm cận kề, nhưng ông vẫn động viên con trai là kiến trúc sư về với ông để “dành lại từng con người từ thảm họa ma túy”. Vợ ông là một nhà giáo, sau khi nghỉ hưu cũng đã tích cực tham gia công tác ở trung tâm bằng tất cả nhiệt huyết của một người vợ muốn chia sẻ công việc với chồng. Đó là niềm hạnh phúc lớn đối với ông - một người luôn tận tâm với công việc, đem tri thức và tình thương để điều trị, giáo dục, cảm hóa những người nghiện ma túy, giúp họ sớm đoạn tuyệt với “cái chết trắng”, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với những kết quả đạt được trong CNMT, Trung tâm ĐDCNMTTĐ và BS Nguyễn Hữu Khánh Duy đã được nhiều ban, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến các địa phương tặng thưởng nhiều cúp vàng, bằng khen. Năm 2012, trung tâm đón nhận Huân chương Lao động hạng ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bài và ảnh: Thành Viên