Người ấn nút phóng tên lửa (27/12/2012)

Bắt đầu từ tháng 9-1966, khi còn là tân binh anh đã được giao nhiệm vụ trắc thủ góc tà, rồi sĩ quan điều khiển, trưởng xe điều khiển. Dần dần anh trưởng thành là cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn cũng vẫn là những đơn vị tên lửa, rong ruổi chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị, Nghệ An, Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh phía Bắc. Anh kể:

Một tiểu đoàn tên lửa có 2 đại đội. Đại đội 1 điều khiển có 4 loại xe. Đó là xe điều khiển; xe tính toán (gồm 4 hệ là hệ tọa độ, hệ lập lệnh điều khiển, hệ chống nhiễu và hệ phát lệnh); xe thu phát có máy thu và máy phát cùng ăng-ten thu, phát và cuối cùng là xe chia điện, gồm 3 máy nổ loại 75km(mỗi máy nổ do 1 xe vận chuyển). Đại đội bệ phóng 2 gồm 6 bệ phóng và 24 xe chở đạn. Ngoài ra còn đài Ra-đa gồm 1 đài nhiều vòng quay tròn 360 độ, phát hiện mục tiêu từ 360km trở vào và cơ quan tiểu đoàn bộ. Do vậy người ta nói bộ đội tên lửa là cồng kềnh cũng đúng.

Từ năm 1970, tôi giữ cương vị sĩ quan điều khiển kiêm trưởng xe điều khiển. Xe của chúng tôi ngày ấy có 24 cán bộ, chiến sĩ, do trưởng xe quản lý; gồm 3 kíp, mỗi kíp có 1 sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ là trắc thủ góc tà, trắc thủ phương vị và trắc thủ cự ly. Trên xe còn có 4 trắc thủ quang học gồm tà và hướng ngồi trên đỉnh ăng ten xe thu phát để phát hiện mục tiêu bằng quang học. Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn ngồi trên xe điều khiển để trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nhiệm vụ của xe điều khiển là bắt mục tiêu, bám mục tiêu và điều khiển tên lửa tới mục tiêu. Nhiệm vụ của sĩ quan điều khiển là sục sạo bắt mục tiêu, giao nhiệm vụ cho các trắc thủ bám mục tiêu và ấn nút phóng tên lửa theo lệnh của tiểu đoàn trưởng. Thường thì chúng tôi phóng ở cự ly 40, số lượng 2 quả, mỗi quả cách nhau 6 giây. Đánh mãi thành quen, trở thành kỹ năng chiến đấu của mỗi người.

Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ bố trí các đơn vị tên lửa đón đánh vòng ngoài là Trung đoàn 274 trên tỉnh Hòa Bình, khu vực giữa là Trung đoàn 275 chúng tôi và vòng trong là hai trung đoàn 261 và 257. Những ngày đầu chúng tôi đóng tại Bô Thời, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sau cơ động lên trận địa Gốt, huyện Chương Mỹ và Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Hồi 19 giờ 20 phút ngày 19-12-1972, kíp 2 của chúng tôi gồm sĩ quan điều khiển, chuẩn úy Nguyễn Văn Thanh (quê Đô Lương, Nghệ An); trắc thủ góc tà, trung sĩ Nguyễn Đình Hiệu (quê Ứng Hòa, Hà Nội); trắc thủ cự ly, trung sĩ, kỹ sư Mai Ngân (quê Ninh Bình) và trắc thủ góc phương vị, trung sĩ Nguyễn Văn Nam (quê Yên Thành, Nghệ An) vào chiến đấu. Máy bay B-52 Mỹ xuất phát từ Thái Lan, tiến vào Hà Nội theo hướng tây, tây nam (tỉnh Hòa Bình). Do nhiễu nên Ra-đa vòng trong không bắt được, Quân chủng dùng ra đa K8-60 của pháo cao xạ để bắt mục tiêu và phát hiện B-52 từ xa 70km. Khi máy bay địch vào đến khoảng 27 đến 29km thì tiểu đoàn trưởng ra lệnh phóng. Quả tên lửa đã gặp mục tiêu ở cự ly từ 18 đến 20km. Chiếc B-52 rơi tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chưa vào đến Hà Nội và chưa kịp cắt bom.

Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 23-12, chúng tôi vừa hành quân tới trận địa Gốt, huyện Chương Mỹ thì máy bay địch ập đến ném bom vào đội hình. Không có thương vong nhưng lòng căm thù càng lên cao. Toàn đơn vị khẩn trương triển khai chiến đấu rồi cán bộ, chiến sĩ ngồi lỳ tại vị trí của mình để chờ B-52. Nhưng B52 chưa xuất hiện thì một tốp F-105 đã tới gây rối. Lệnh của tiểu đoàn trưởng:

  • Phương vị 270, cự ly 70, độ cao 5, phát sóng.

Tôi cho xe điều khiển phát sóng. Mấy giây sau, ba trắc thủ cự ly, phương vị và góc tà cùng phát hiện được địch và hô:

  • Mục tiêu.

Tôi ra lệnh:

  • Bám sát.

Tiểu đoàn trưởng chỉ thị:

  • Xác định phần tử.

Tôi báo cáo:

  • Cự ly 30, phương vị 270, độ cao 5.

  • Phóng, 2 quả.

Theo lệnh của tiểu đoàn trưởng, tôi ấn nút. Quả thứ nhất ở cự ly 30, phương vị 270, độ cao 5. Quả thứ hai giữ nguyên phương vị và độ cao, giảm cự ly còn 29 và đếm 10, 7, 5 ,3, gặp nổ, cự ly 22, mất mục tiêu. Chiếc F-105 tan xác tên bầu trời.

Tôi phấn khởi hỏi anh:

  • Lúc ấy, chắc kíp chiến đấu của anh vui lắm.

Anh Ninh Văn Khiển buồn buồn, lắc đầu:

  • Vui gì. Phải bắn rơi B52 mới sướng. Còn các loại F thì lệnh trên mà phải đánh thôi. Trong thời gian làm trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tôi đã ấn nút bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 2 chiếc OV-10 ở Nam Lào. Trận ngày 18-11-1968, tôi phóng 3 quả tên lửa diệt 2 máy bay F-4 trên bầu trời Nghệ An. Thế mà trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, đánh B52 mà tôi cũng chỉ ấn nút hạ được 3 cái F. Vui làm sao được.

Từ năm 1973, anh Ninh Văn Khiển được đi học tại Viện PK-KQ, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, giữ các cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 267, Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Sư đoàn phòng không 365, Trưởng phòng Quân lực quân chủng, nghỉ hưu năm 2009 với quân hàm đại tá. Tôi cảm phục cuộc đời anh đã góp phần bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Tô Kiều Thẩm