Ngư dân CCB Quảng Ngãi: Tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngư dân CCB huyện Đức Phổ chuẩn bị ra khơi.
Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Hội nghị biểu dương CCB là ngư dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo giai đoạn 2016-2019. Đến dự có các đồng chí Nguyễn Cao Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tấn Đức - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo sở, ban, ngành và 57 CCB là ngư dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tính đến nay, tổng số ngư dân trong tỉnh trực tiếp tham gia sản xuất trên biển khoảng 41.000 người; trong đó có gần 4.000 ngư dân là CCB. Có 12 nghiệp đoàn nghề cá tại các xã ven biển và hải đảo với hơn 6.700 đoàn viên, trong đó có gần 2.800 CCB tham gia. Về phương tiện thông tin liên lạc, đã có trên 3.200 tàu cá được lắp đặt máy thông tin liên lạc có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh, gần 300 Tổ đoàn kết ngư dân sản xuất trên biển được cấp thiết bị kết nối vệ tinh, hỗ trợ gần 200 máy bộ đàm ICOM cho ngư dân là hội viên CCB.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Phúc đánh giá cao vai trò của ngư dân nói chung và ngư dân là CCB nói riêng trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo: “Ngư dân là nơi cung cấp tin tức quan trọng cho Bộ đội Biên phòng về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như tình hình tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Đây cũng chính là lực lượng tham gia trực tiếp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Ngư dân CCB luôn thể hiện rõ sự kiên định lập trường tư tưởng, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, kiên trì bám biển sản xuất làm giàu chính đáng. Đây là chổ dựa vững chắc của các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển; đồng thời cũng chính là lực lượng tham gia trực tiếp góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.
Ba năm qua, Hội CCB phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến những kiến thức cơ bản về biển, đảo, về Luật Thủy sản; hướng dẫn cho ngư dân sử dụng máy dò cá, kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương... góp phần tăng hiệu quả khai thác hải sản của ngư dân.
Thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chủ quyền biển đảo, các ngư dân CCB trong tỉnh chủ động thông báo kịp thời về hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của gần 200 lượt tàu lạ; tham gia cứu hộ, cứu nạn 184 lượt tàu thuyền của gần 200 lao động từ biển khơi vào bờ an toàn, giúp đỡ hàng chục ngư dân bị tàu lạ tấn công, giữ tàu, thu ngư lưới cụ… Ngoài ra, các cấp Hội CCB còn vận động xây dựng quỹ “Hỗ trợ ngư dân”, “Tấm lưới nghĩa tình”... hỗ trợ nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn mua sắm lưới, ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền, vươn khơi bám biển.
Đức Phổ là huyện có chiều dài bờ biển hơn 40km và hơn 75% dân số sống bằng nghề nông - lâm - ngư; Có số lượng tàu thuyền cao nhất và đứng đầu trong tỉnh về sản lượng khai thác, đánh bắt hằng năm (năm 2018: 67.998 tấn). Hoạt động của Hội CCB đã được phát huy trong làm ăn kinh tế cũng như tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Đồng chí Võ Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: “Thông qua phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, có nhiều ngư dân, nhất là ngư dân là CCB - CQN được công nhận giỏi. Đời sống của các CCB trên địa bàn huyện tương đối ổn định, cơ bản không còn hộ đói, hộ nghèo. 324 CCB - CQN lao động hành nghề trên biển là lực lượng nòng cốt, tin cậy của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Là một chủ tàu cá, CCB Trần Hồng ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, T.P Quảng Ngãi là một ngư dân làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khai thác chủ yếu trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, tàu cá của CCB Trần Hồng đã 9 lần gặp và chứng kiến tàu thuyền nước ngoài dùng tàu lớn, giả danh ngư dân, hay lấy số đông để lấn áp tàu, quậy phá uy hiếp tàu thuyền của ta làm ăn hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Không nao núng, anh em trên tàu kịp thời thông qua bộ đàm báo cáo về Bộ đội Biên phòng. Đồng thời liên lạc với các tàu bạn quanh khu vực, đoàn kết cùng nhau kiên quyết bám địa bàn, không chùn bước khiến các tàu, thuyền lạ không vào gần mà lánh dần ra xa… Anh nhớ lại 1 trong 4 lần tàu của anh đã tham gia cứu nạn trên biển: “Vào ngày 28-1-2017, khi tàu ông Đặng Thanh Đạo mang biển số QNg 92517 TS bị hỏng máy ở tọa độ 13 độ 5 phút độ bắc, 116 độ đông. Nhận được tin báo khi tàu tôi đang khai thác gần đó, tôi lệnh cho anh em ngừng đánh bắt cá, khẩn trương đưa tàu tiếp cận. Đồng thời, liên lạc với các tàu cá quanh khu vực để thông báo tình hình tàu bị nạn cho đồng đội trong tổ để đến thu lưới, phương tiện đánh bắt, rồi tàu tôi trực tiếp lai kéo tàu ông Đạo vào bờ nhập Cảng Sa Kỳ an toàn”.
Đại tá Huỳnh Minh Giữ - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “7 Bằng khen của UBND tỉnh và 14 Bằng khen của Hội CCB tỉnh Quảng ngãi khen tặng cùng với 57 ngư dân CCB được biểu dương hôm nay là sự ghi nhận, đánh giá cao phong trào CCB ngư dân làm kinh tế giỏi, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tỉnh. Trong thời gian tới, cùng với tuyên truyền, giáo dục, Hội CCB tỉnh tiếp tục động viên hội viên là ngư dân quyết tâm giữ vững ngư trường truyền thống ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ, Tây và Đông - Nam Bộ để sản xuất; đồng thời theo dõi nắm chắc tình hình để cung cấp cho cơ quan chức năng những hoạt động phi pháp của tàu thuyền xâm phạm trên vùng biển Việt Nam...”.
Văn Phượng