Ngư dân bám biểntrúng lớn đầu năm
Ngư dân Thanh Hóa vươn khơi đánh bắt cá trích đầu năm.
Những ngày đầu năm, ngư dân ở các địa phương ven biển như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị... đồng loạt ra khơi đánh bắt hải sản. Nhiều tàu đánh bắt được lượng cá lớn, bán cho thương lái thu về hàng trăm triệu đồng.
Ấn tượng nhất khi về các làng biển như Quảng Hùng, Quảng Đại (T.P Sầm Sơn), Quảng Hải, Quảng Thái (huyện Quảng Xương), tỉnh Thanh Hóa… trong những ngày sau tết là “rừng” cờ Tổ quốc. Trên các thuyền, bè mảng, hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió khiến làng biển như được tiếp thêm sinh khí mới đầu năm. Mùa cá trích bắt đầu từ tháng 1 đến khoảng tháng 4 âm lịch. Sau đợt mưa rét kéo dài, những ngày đầu năm mới nắng bắt đầu hửng, biển lặng nên rất thuận lợi cho ngư dân vươn khơi. Một ngày của ngư dân diễn ra từ khoảng 3-4 giờ sáng. Thời điểm này ngư dân bắt đầu ra khơi, đến khoảng 8-9 giờ vào bờ. Mỗi chuyến, một bè mảng đánh bắt được khoảng từ 1- 4 tạ cá.
Anh Trần Xuân Tạo, ngư dân xã Quảng Đại cho biết: Mấy năm nay vùng biển Sầm Sơn, Quảng Xương ít cá trích nên ngư dân phải đi khoảng 18 đến 20 hải lý vào vùng biển thị xã Nghi Sơn để đánh bắt. Vì đi xa nên tốn dầu, mỗi ngày chỉ đi được một chuyến. Đổi lại với việc đi xa là giá cá cao, nhu cầu người mua lớn. Hiện tại, giá cá trích bán ngay tại bãi biển từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg. Nhờ được giá nên mỗi chuyến đi, thu nhập ngư dân trên 1 triệu đồng/người. Ngoài cá trích, một số thuyền, bè mảng còn đánh bắt moi (tép biển), sứa…
Ghi nhận ngày 25-2, tại Cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, hàng chục thuyền của ngư dân ra khơi bám biển, khai thác hải sản, kiếm thêm thu nhập ngay những ngày đầu năm mới. Ngư dân Nguyễn Văn Hồng - Thuyền trưởng tàu ở Cảng cá Nghi Thủy cho biết: Thời tiết nắng đẹp nên ngay từ đầu năm, bà con đã làm lễ ra khơi mong 1 năm thu hoạch nhiều hơn, kinh tế khá hơn.
Vừa có chuyến biển đánh bắt thuận lợi, anh Mai Xuân Viên - phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, cũng vui mừng cho hay, tàu vừa trúng được mẻ cá cơm hơn 7 tấn. Tiền thu được từ bán cá là 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng. Mỗi lao động trên tàu thu nhập hơn 1 triệu đồng. Theo chia sẻ của nhiều ngư dân, các thuyền nhỏ đánh bắt cách bờ dưới 20 hải lý nên chỉ tốn khoảng 3-4 triệu đồng tiền dầu, trong khi giá hải sản những ngày đầu năm mới giữ ở mức khá nên bà con rất phấn khởi.
Tại cảng cá Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), nhiều tàu thuyền công suất lớn bắt đầu ra khơi, bám biển. Ông Lê Văn Tuấn (xã Gio Việt) chia sẻ: Ngay từ mùng 4 Tết, tàu cá công suất lớn của gia đình ông bắt đầu ra khơi. Khi đang đánh bắt cách bờ khoảng 30 hải lý, cách khu vực đảo Cồn Cỏ 15 hải lý, tàu cá của ông bất ngờ trúng đậm mẻ cá bè và cá sòng với tổng trọng lượng gần 5 tấn. Ngay khi tàu vừa cập bến, 5 tấn cá được thương lái thu mua ngay với giá khoảng 400 triệu đồng. Nhờ thời tiết thuận lợi và nguồn thủy hải sản khá dồi dào nên không chỉ thuyền của ông mà thuyền những ngư dân khác cũng cất được những mẻ cá lớn.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngư dân tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và xã Bảo Ninh, T.P Đồng Hới, đã trúng đậm cá ngứa (cá nhụ). Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được tiểu thương thu mua với giá 600.000-700.000 đồng/kg. Trong những ngày qua, ngư dân đánh bắt được nhiều cá ngứa, thu nhập cả chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Tỉnh Quảng Bình có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển với ngư trường rộng lớn, đa dạng các loài hải sản có giá trị cao. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Ngành Nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng và chính quyền đia phương đã tạo điều kiện giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Các lực lượng chức năng nhắc nhở bà con ngư dân thực hiện tốt các quy định khi khai thác trên biển. Ngư dân Đậu Ngọc Văn, ở phường Quảng Phúc (Ba Đồn, Quảng Bình) cho rằng, để có nguồn ra ổn định cho hải sản, ngư dân cần chung tay tháo gỡ thẻ vàng EC, chống khai thác IUU, lúc đó giá thành hải sản sẽ ổn định. “Các lực lượng động viên ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn. Khi ra biển phải mở máy giám sát hành trình, không xâm phạm vùng biển nước bạn. Mong sao trong năm mới, ngư dân bám biển làm ăn thắng lợi” - ngư dân Đậu Ngọc Văn bày tỏ.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 6.500 tàu cá, trong đó 1.135 tàu từ 15m trở lên hoạt động đánh bắt xa bờ, tất cả tàu này đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa tàu cá, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng khai thác. Năm 2023, sản lượng thủy sản tỉnh Quảng Bình gần 97.700 tấn (tăng bình quân 3,1%/năm). Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định trích 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu để hỗ trợ các chủ tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa. Số tiền này sẽ hỗ trợ các chủ tàu xa bờ có chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển.
Ông Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: Địa phương xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm không chỉ trong việc gỡ thẻ vàng của EC mà còn góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập. Theo ông Lợi, để làm được điều này, ngư dân đóng vai trò chủ thể quyết định sự thành công trong chống khai thác IUU.
Võ Hóa