Hát ví dặm là tinh hoa nghệ thuật của người xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc ta nói chung vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (Pa-ri, ngày 27-11-2014).
Trong đời quân ngũ, tôi có may mắn được tôi luyện một quãng thời gian dài trên quê hương Xô-viết.
Sau giờ luyện tập vất vả, được đắm mình trong các làn điệu dân ca xứ Nghệ, rồi yêu câu dân ca ví dặm lúc nào chẳng hay. Anh Phạm Tiến Dũng, trước ở đoàn dân ca Nghệ An, nay làm Phó giám đốc Sở VHTTDL của tỉnh, là người đã tập cho đội văn nghệ đơn vị chúng tôi các bài hát mang âm hưởng ví dặm để tham gia Hội diễn văn nghệ Quân khu, đã có nhiều tiết mục đoạt giải cao.
Theo các bậc cao niên kể lại, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh được hình thành từ thế kỷ XVIII cùng với hát phường, hát hội, rồi phát triển thêm nhiều loại hình mới. Điệu dân ca ngọt ngào như sữa mẹ, nuôi dưỡng bao tâm hồn, cốt cách của người dân Nghệ Tĩnh; trong đó có các văn nghệ sĩ, các anh hùng, danh liệt. Tiêu biểu có cụ Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà con kể rằng, cụ Nguyễn Du người làng Tiên Điền là người rất mê hát ví dặm. Làng Trường Lưu thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc là đất ví dặm, và cũng là nơi có nhiều thôn nữ xinh đẹp. Nhà thơ thường băng đồng qua Trường Lưu nghe người đẹp hát, đối đáp với phường vải, rồi tức cảnh làm thơ. Còn Bác Hồ của chúng ta thì làn điệu ví dặm quê hương đã thấm vào tâm hồn, cốt cách từ thủơ ấu thơ, đến khi “qua bên kia bầu trời, Người muốn nghe tận vô cùng bài ca đất nước, những khúc hát quê hương”.
Ví dặm là hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ bậc cao của quần chúng lao động, sinh ra từ lao động. Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu, một giọng ca ví dặm nổi tiếng cho rằng: Do điều kiện địa lý khắc nghiệt của miền đất này nên con người xứ Nghệ luôn muốn vươn lên trong cuộc sống, thể hiện bằng các khúc dân ca khát khao làm chủ thiên nhiên, yêu lao động. Hát để tự động viên, mang tính lạc quan, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu và cũng là nghệ thuật độc đáo, rất đằm thắm và riêng có ở xứ Nghệ.
Hát ví luôn gắn liền với lao động, ra đời do nhu cầu của bà con nông dân, với các ngành nghề khác nhau thì có điệu hát khác nhau. Trên sông nước thì có hát ví đò đưa; đi củi thì có hát phường củi; dệt vải có hát phường vải; rồi còn có hát phường nón, phường cấy... tùy theo loại hình lao động mà có các làn điệu phong phú, đặc sắc riêng. Ngôn ngữ từng vùng cũng ảnh hưởng đến cách hát khác nhau. Câu hát ví là những vần thơ có âm vực từ 6 đến 8 chữ theo thể lục bát, có khi là song thất lục bát hoặc lục bát biến thể. Hát ví thường hát tự do, không có tiết tấu, người hát tự co giãn theo ngẫu hứng, âm điệu giàn trải, mênh mang, bát ngát như ruộng lúa vườn dâu đôi bờ sông Lam hiền hòa. Nội dung chủ yếu là ví von, so sánh giữa cảnh vật, con người và thiên nhiên nên thường gọi là hát ví.
Còn hát dặm đơn giản hơn là loại hình văn nghệ tự túc, cũng được hình thành từ lao động. Nội dung thường kể lại sự việc như tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng, tình cha con, cũng có khi mang tính trào phúng, đả kích phê phán thói hư tật xấu, ca ngợi cái tốt. Câu thơ chủ yếu trong hát dặm là 4-5 chữ. Thường 5 câu một khổ. Một khổ thường gọi là trổ, một bài dặm có vài chục câu như thế. Hồi còn nhỏ, tôi còn nhớ bài hát dặm: “Mẹ mi ơi ngồi lại/ Tôi nói nhỏ trong nhà/ Có con Huệ nhà ta/ Tuổi năm ni hai mốt/ Hắn như muốn ve vuốt/ Hắn như muốn lấy chồng...”. Lớn lên thời chiến tranh lại nghe bài dặm thể hiện ý chí chiến đấu cao: “Khi tôi chưa đánh Mỹ/ Nghe đồn ngược đồn xuôi/ Thần sấm Mỹ ra đời/ Bay rách nón rách tơi/ Giờ đánh thằng Mỹ rồi/ Trôốc thì nậy hơn đuôi/ Chui đằng mô cũng đạn/ Lọt đường nào cũng đạn...”. Mấy câu dặm ấy nam nữ làng tôi ai cũng thuộc.
Về không gian, hát ví thường diễn ra mọi nơi, mọi môi trường. Nam nữ có thể hát ở trong nhà ra ngoài ngõ, hát trên sân phơi, trên đồng ruộng, giữa nương ngô, trên bến, dưới thuyền đều hay cả. Hát phường vải thường có sức tụ tập đông hơn, vừa dệt vải, quay tơ, vừa đối đáp. Hát từ chập tối đến khuya, trăng lặn mà chưa trải lòng hết tình ý. Còn hát dặm tương tự như hát ví nhưng thủ tục không cần chặt chẽ lắm. Có khi cả hát dặm và hát ví lồng vào nhau thành một liên khúc vừa hấp dẫn, dí dỏm, vừa ngọt ngào đằm thắm. Các làng nghề vừa làm vừa hát, tạo nên sự kết nối chặt chẽ, tình làng nghĩa xóm được vun đắp. Do yêu ví dặm nên mỗi người dân đều hát được, hát hay và có thể trở thành nghệ nhân ví dặm.
Xuân Vui