Ngôi mộ chung của 21 liệt sĩ
Mộ và Nhà tưởng niệm 21 liệt sĩ Tiểu đoàn 20 đặc công.
Ai có dịp đi trên quốc lộ 14 qua địa phận thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai sẽ thấy ngay bên đường về phía đông có một ngôi mộ tập thể, phía sau là Nhà tưởng niệm uy nghi trầm mặc. Đó là mộ của 21 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 20 đặc công (Mặt trận Tây Nguyên) hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, do nhân dân địa phương xây dựng.
Vào mùa hè năm 1972, để cứu nguy cho đồng bọn đang bị Quân Giải phóng uy hiếp mạnh ở thị xã Kon Tum, Nguyễn Văn Toàn - Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 ngụy đã cho thiết lập gấp căn cứ Biển Hồ (còn gọi là căn cứ 42), cho Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23 ngụy) đặt sở chỉ huy và một tiểu đoàn pháo để trực tiếp chỉ huy mở đường, đưa lực lượng từ Pleiku lên cứu viện cho đồng bọn ở thị xã Kon Tum. Nhằm phá tan âm mưu này của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Tiểu đoàn 20 Đặc công nhanh chóng tập kích tiêu diệt căn cứ Biển Hồ.
Sau khi nhận nhiệm vụ, chỉ huy Tiểu đoàn 20 khẩn trương tổ chức trinh sát và đã nắm được khá cụ thể về binh - hỏa lực, cách thức bố phòng của địch trong Căn cứ 42 (sát đường 14 về phía đông, cách thị xã Pleiku hơn 10km về phía bắc, hiện nay là vị trí Nhà máy xi măng Gia Lai, thuộc địa phận thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh).
Từ thực tiễn tình hình địch, khả năng chiến đấu của đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ được giao, chỉ huy Tiểu đoàn 20 đề ra quyết tâm: Chuẩn bị chu đáo, cơ động lực lượng trong đêm, bí mật luồn sâu, bất ngờ đánh nhanh, đánh trúng, đánh chắc, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Hướng nam là hướng tiến công chủ yếu; hướng đông và bắc là hướng quan trọng. Mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy Trung đoàn 45 và sở chỉ huy tiểu đoàn pháo binh địch. Trên sa bàn, chỉ huy Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Phương án tác chiến của đơn vị đã được cấp trên phê duyệt.
Chập tối ngày 5-5-1972, từ vị trí tập kết cách căn cứ địch gần 10km, Tiểu đoàn bí mật hành quân vào chiếm lĩnh trận địa. Đến 0 giờ ngày 6-5, cả 4 mũi đều đã hoàn thành gỡ mìn và cắt xong hàng rào thứ 6. Lúc 0 giờ 30 phút, các mũi đang khắc phục hàng rào cuối cùng thì ở mũi 1, có 1 tên lính gác đi đến gần cửa mở. Nhiều khả năng sẽ bị lộ. Mũi trưởng mũi 1 liền nổ súng diệt tên lính gác và ra lệnh xung phong. Nghe tiếng súng nổ, theo kế hoạch đã hiệp đồng, các mũi nhanh chóng vượt qua cửa mở đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Tiếng súng B40, B41, tiếng thủ pháo, lựu đạn, xen lẫn tiếng AK nổ giòn từng loạt của bộ đội ta làm cho quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, hoảng loạn và suy sụp ngay từ lúc đầu.
Sau 15 phút chiến đấu, các chiến sĩ mũi 1 đã đánh chiếm được phần lớn mục tiêu được giao. Nhưng khi đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 45 thì gặp hàng rào ca-rô không phát triển được. Địch ở bên trong bắn ra làm một số đồng chí thương vong. Lúc này, mũi 2 cũng đã diệt được phần lớn mục tiêu được giao, nhưng trong quá trình chiến đấu một số đồng chí bị thương vong nên chỉ còn 1 tổ bắt liên lạc được với mũi 1. Trước tình hình đó, chỉ huy Đại đội 58 báo cáo xin Tiểu đoàn cho đội dự bị vào tăng cường. Khi lực lượng tăng cường vào, mũi 1 tổ chức đột phá và đã nhanh chóng làm chủ sở chỉ huy Trung đoàn 45. Ở hướng Đại đội 56, sau 35 phút nổ súng, hai mũi 3 và 4 đã chiếm được sở chỉ huy tiểu đoàn pháo và bắt liên lạc được với nhau, tiếp tục phát triển tiêu diệt các mục tiêu còn lại ở khu B. Đến 2 giờ sáng ngày 6-5 trận đánh kết thúc. Kết quả, chỉ hơn 1 giờ chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 20 đặc công với 70 tay súng bằng lối đánh gần, táo bạo, bất ngờ, đánh nhanh, đánh trúng đã san bằng căn cứ 42. Toàn bộ quân địch trong căn cứ khoảng 400 tên bị tiêu diệt. Ta bắt 12 tên, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh của địch, trong đó có 4 khẩu pháo 155 ly, 6 khẩu pháo 105 ly, 2 xe M113, 19 xe GMC…
Thắng lợi sẽ trọn vẹn nếu như không xảy ra một tình huống ngoài ý muốn. Trong lúc bộ đội ta đang tổ chức thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm và giải quyết chính sách thì kho đạn pháo ở khu B bất ngờ phát nổ. Mảnh đạn cùng những bối lửa bắn ra xung quanh đã làm một số đồng chí bị thương vong, đưa số hy sinh trong trận đánh lên 21 cán bộ, chiến sĩ và số bị thương là 30 đồng chí. Do trời đã gần sáng, địch lại dùng pháo bắn chặn nên đơn vị chỉ đưa được thương binh ra ngoài, còn thi thể các liệt sĩ phải để lại. Ngày hôm sau, địch tổ chức lên thu dọn chiến trường, chúng đã thu gom số anh em của ta rồi cho máy xúc đào một hố to ngoài rìa đường chôn tập thể số cán bộ, chiến sĩ này.
Sau ngày đất nước thống nhất, do đơn vị gốc đã giải thể nên việc tìm kiếm cất bốc hài cốt của số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 6-5-1972 không được kịp thời. Một số bà con ở địa phương biết và nhớ được vị trí địch chôn anh em, đã báo cho chính quyền. Sau này, cơ quan chính sách của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã tổ chức quy tập để đưa hài cốt các anh vào nghĩa trang. Nhưng khi đào lên, không thể nào phân biệt được xương cốt của từng người. Chính quyền và nhân dân địa phương đã đề nghị cứ để các anh cùng ở với nhau và xây mộ tập thể cho các anh.
Tháng 9-2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Păh với sự đóng góp của nhiều cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp đứng trên địa bàn đã khởi công tôn tạo lại ngôi mộ và xây dựng Nhà tưởng niệm các liệt sĩ ngay phía trong khang trang bề thế. Bên trong Nhà tưởng niệm ghi danh đầy đủ 21 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chiếm căn cứ 42 - Biển Hồ đêm ngày6-5-1972. Hằng ngày, bà con địa phương, các CCB và khách bộ hành ngang qua thường vào dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, ghi nhớ chiến công cùng sự hy sinh anh dũng của các anh vì độc lập tự do và cuộc sống yên bình của đất nước hôm nay.
Nguyễn Hùng Tấn