Hơn lúc nào hết, hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực và toàn diện, giữ vững thế “chân kiềng” (cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa), nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, góp phần khắc phục tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nâng cao vị thế Việt Nam

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia nhiều cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như APEC, ASEAM, WTO, Liên hợp quốc... qua đó khẳng định vai trò, vị thế ngày càng tăng với tư cách một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tại các sự kiện quốc tế quan trọng, Việt Nam đều tham gia ở cấp cao như: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15 (7-2009), Cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an về giải trừ vũ khí hạt nhân và Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc (9-2009). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và đóng góp quan trọng vào các Hội nghị cấp cao ASEAN 14, 15, các Hội nghị cấp cao liên quan. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia quá trình xây dựng, thực hiện Hiến chương ASEAN... Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã đảm nhận tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, tham gia vào việc giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của khu vực và thế giới.

Các hoạt động ngoại giao song phương được triển khai tích cực nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, đặc biệt là với các nước láng giềng, khu vực (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và các nước Đông Nam Á khác); các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển như (Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân); các nước bạn bè truyền thống, các đối tác tiềm năng (Cu-ba, Chi-lê, các nước Trung Đông, châu Phi)...

Nội dung kinh tế luôn được ưu tiên hàng đầu

Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng, các chỉ số về kim ngạch xuất khẩu, thu hút vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA... đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút hơn 10.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư 160 tỷ USD. Trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang cung cấp ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết gần 50 tỷ USD. Việt Nam cũng có 370 dự án đầu tư đang thực hiện tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn trên 5 tỷ USD...

Đằng sau mỗi hoạt động ngoại giao, nội dung kinh tế luôn được ưu tiên hàng đầu, công tác xúc tiến thương mại, đầu tư được tiến hành một cách triệt để. Nhìn lại chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4-2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, điểm dừng chân của đoàn đều là những trung tâm kinh tế, tài chính lớn, có nhiều tiềm năng và triển vọng cho quan hệ hợp tác hai bên, như Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao. Tại mỗi điểm, hai bên đều phối hợp tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, tạo cơ hội để các nhà đầu tư hai nước cùng nhau chia sẻ về tình hình, giải pháp đối phó với khủng hoảng hiện nay, đồng thời trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác phát triển thương mại và đầu tư.

Có thể thấy “đầy ắp” các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế đã được ký kết trong nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài hay lãnh đạo các nước vào Việt Nam. Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Pháp được tổ chức tại Hà Nội, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Phơ-răng-xoa Phi-ông, đã thu hút khoảng 300 doanh nghiệp hai nước tham gia thảo luận những vấn đề cùng quan tâm nhằm vượt qua thách thức, tăng cường hợp tác vì sự phát triển bền vững của cả hai bên. Cũng tại Diễn đàn này, hai bên đã ký 18 bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, điện lực, cung cấp vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quy hoạch đô thị, thực phẩm... trị giá khoảng 9,5 tỷ USD.

Thông qua con đường ngoại giao, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới đã đến Việt Nam tham dự tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về phục hồi và phát triển kinh tế. Mới đây nhất, nguyên đại diện thương mại Mỹ, đồng thời là một học giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, hoạch định các chính sách kinh tế, bà Xu-xan Soát đã tới Hà Nội và có cuộc trao đổi với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và các biện pháp tiếp cận thị trường Mỹ một cách hiệu quả nhất.

Quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh Việt Nam

Với chủ đề “Năm Ngoại giao văn hóa 2009”, trong năm qua nhiều sự kiện văn hóa lớn đã được tổ chức ở cả trong và ngoài nước, nhằm quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng của Việt Nam. Thông qua các hoạt động văn hóa như: Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po, tại Mát-xcơ-va; Tuần lễ Việt Nam tại một số thành phố lớn của Nhật Bản; Không gian Việt Nam tại Pháp, Chương trình gặp gỡ Việt Nam tại Ca-li-pho-ni-a, Đại nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi”, Đêm văn hóa người Việt xa quê ở Thủ đô Berlin... bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết và yêu mến Việt Nam hơn, đến với Việt Nam nhiều hơn.

Các hoạt động quảng bá văn hóa Việt cũng được đẩy mạnh hơn thông qua các đợt tuyên truyền, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới; vận động UNESCO công nhận các di sản của Việt Nam: Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới (5-2009); kho mộc bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu Chương trình ký ức Thế giới (7-2009); Quan họ Bắc Ninh và Ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (tháng 9 và tháng 10-2009)...

Các hoạt động văn hóa không thể mang lại ngay lập tức một kết quả mà chúng ta có thể nhìn thấy được, nhưng tác động của nó thì rất lâu dài và không thể đo, đếm được. Như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm từng nhận định, trong thế “chân kiềng” đó, Ngoại giao Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng “vì nó vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam; nó bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại. Có thể nói văn hóa mang thế mạnh đặc thù, là nhân tố duy nhất có thể thâm nhập vào mọi lĩnh vực và hiện hình trong sức mạnh tổng hợp của mọi quốc gia. Nhìn rộng ra, chúng ta thấy một quốc gia muốn trở thành cường quốc khu vực hay thế giới thì nền văn hoá của quốc gia đó phải có sức hút trên phạm vi khu vực hay thế giới. Còn đối với một nước vừa và nhỏ, muốn tồn tại và phát triển thì càng phải phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó nhân thêm sức mạnh của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được sự coi trọng của các nước và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Thông qua việc quảng bá rộng rãi các giá trị văn hoá đặc sắc, độc đáo của Việt Nam, ngoại giao văn hóa của chúng ta muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, cởi mở, đang thực hiện đổi mới thành công, phát triển nhanh, bền vững và đóng vai trò ngày càng lớn hơn ở khu vực và trên thế giới”.

KIỀU CHI