Nghiêm Xuyên 60 năm làm theo lời Bác
Cách đây 60 năm, vào những ngày đầu năm 1963, nắng hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, ăn Tết xong mà vẫn chưa cắm được cây lúa nào xuống ruộng. Trước khó khăn đó, người dân xã Nghiêm Xuyên, huyện Thưởng Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc T.P Hà Nội) lo lắng biết bao giờ mới cấy xong lúa chiêm..., thì một tin vui làm náo nức lòng người, ngày 30-1 (tức mồng 6 tháng giêng âm lịch) Bác Hồ về thăm động viên nhân dân tỉnh Hà Đông nói chung, xã Nghiêm Xuyên nói riêng, quyết tâm chống hạn và Bác tặng hai câu thơ: “Hà Đông anh dũng tuyệt vời/ Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”.
Thực hiện lởí dạy của Bác, cán bộ và nhân dân xã Nghiêm Xuyến ngày đêm ra sức chống hạn đào mương, xẻ máng với quyết tâm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Đến trung tuần thứ 2, hơn 1.000 mẫu lúa đã cấy xong và vụ chiêm năm ấy Nghiêm Xuyên được mùa lúa tốt chưa từng có.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền vào những năm 1960, hằng năm Nghiêm Xuyên bỏ ra hàng vạn ngày công để làm thuỷ lợi và cải tạo nâng cấp đường giao thông. Đến nay, Nghiêm Xuyên đã có 11 trạm bơm chủ động được tưới, khắc phục được tiêu. Xã xây kiên cố hơn 1.000m kênh mương, cùng với làm thuỷ lợi, Nghiêm Xuyên còn đổ bê tông các tuyến đường giao thông. Hằng năm, HTX nông nghiệp chủ động cung cấp các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, vận động các hộ xã viên gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ. Năm 2022, xã gieo cấy hơn 1.000 mẫu, năng suất 360kg/sào/năm, tổng sản lượng gần 3.700 tấn. Chăn nuôi gia súc gia cầm, thả cả được duy trì. Cùng với sản xuất nông nghiệp, Nghiêm Xuyên còn có các nghề: Thêu, may, nề, cơ khí và dịch vụ... được duy trì và phát triển. Xã còn tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Năm 2022, Nghiêm Xuyên có tổng thu nhập gần 400 tỷ đồng (bình quân 54 triệu đồng/người/năm), nhờ đó đời sống nhân dân được nâng lên và cải thiện, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, đến nay số hộ nghèo giảm còn 0,19%. Các công trình phúc lợi được tăng cường xây dựng, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, lát gạch, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.
Để ghi nhớ nơi Bác Hồ về thăm, năm 1985, xã xây dựng Nhà truyền thống trưng bày lưu niệm những hình ảnh của Bác.
Là một xã giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp thanh niên Nghiêm Xuyên hăng hái lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Toàn xã có 126 liệt sĩ, 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 36 thương binh, 27 bệnh binh. Hằng năm cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân có nhiều việc làm tình nghĩa đối với các đối tượng chính sách, để mọi người, mọi nhà có cuộc sống ổn định.
Vừa chăm lo phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền quan tâm đến công tác văn hóa xã hội, được cấp trên hỗ trợ, đến nay 3 nhà trường, tiểu học, trung học cơ sở, mầm non, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, kiên cố, đảm bảo có đủ phòng học cho học sinh, chất lượng dạy và học được nâng cao và duy trì giữ vững trường “chuẩn quốc gia". Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân thường xuyên được quan tâm. Tỷ lệ tăng dần số tự nhiên giảm 0,1%. Nghiêm Xuyên có 3 làng: Liêu Viên, Nghiêm Xá, Cống Xuyên với 1.835 hộ và hơn 6.000 khẩu, đến năm 1999, cả 3 làng đều đạt danh hiệu Làng văn hoá, Xã văn hoá đầu tiên của huyện. Nghiêm Xuyên còn là nơi cung cấp nhiều cầu thủ bóng đá nữ cho huyện, thành phố và quốc gia. Công tác tuyên truyền được quan tâm, làm tốt công tác quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. MTTQ và các đoàn thể Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh hoạt động và có nhiều đóng góp với phong trào thi đua của địa phương, nhiều năm được cấp trên khen thưởng. Đảng bộ nhiều năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, là xã có phong trào thi đua xuất sắc nhiều năm. Năm 2017, xã Nghiêm Xuyên đạt chuẩn Nông thôn mới.
Với thành tích đã đạt được, năm 1999. nhân dân và cán bộ xã Nghiêm Xuyên được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Xã còn được tặng 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba thời kỳ đổi mới cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh và thành phố.
Phát huy thành tựu đạt được trong 60 năm qua, cán bộ và nhân dân xã Nghiêm Xuyên không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng Nông thôn mới, giàu mạnh, dân chủ, văn minh để xứng đáng là xã Anh hùng, xã văn hoá và vinh dự nơi Bác Hồ về thăm.
Lê Xuân Hưng