Nghĩa tình và kịp thời (08/10/2009)
Hoành hành chỉ trong các ngày 30-9 và 1-10 nhưng bão số 9 đã làm 162 người chết, 13 người mất tích, 616 người bị thương; 21.429 nhà bị sập, trôi; 258.306 nhà tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng; 218.249 nhà , 5.280 phòng học; 12.604 trụ sở UBND, trạm y tế bị ngập; 35.741 ha lúa bị ngập, đổ; 12.804 ha ngô, mía, 31.209 ha hoa màu, 26.165 ha cây công nghiệp bị ngập, hư hại... Ngoài ra, mưa bão còn làm thiệt hại nghiêm trọng về giao thông, thuỷ lợi và hệ thống điện của các địa phương.
Đến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum... những ngày này, dấu ấn của cơn bão số 9 còn lại khá rõ với những cánh đồng lúa đến kỳ thu hoạch nay ngập sâu trong nước, những rặng dừa, bụi tre gãy đổ tưa táp, những tấm pa-nô quảng cáo gãy gập, những ngôi nhà sập đổ, tốc mái, những nhà lành lặn thì còn nguyên vết lằn nước ngập sâu 1-2m; đặc biệt là ở các khu Thành cổ Quảng Trị, khu Di tích lịch sử Cố đô Huế, Di tích Phố cổ Hội An (Quảng Nam)...Nhiều nhà dân vết ngập vẫn ở tận nóc, tường bị đổ, mái tôn, mái ngói bị bão bốc bay trống hươ trống hoác nay vẫn chưa kịp sửa. Do khu vực miền Trung sát biển nên lụt không lâu, lũ lụt lên rất nhanh nhưng cũng rút chỉ sau 1-2 ngày, tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 và trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được giải toả, tuyến đường sắt bị sạt lở hơn 20m ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang được khắc phục, hành khách đi tàu được “tăng bo” an toàn, chu đáo. Do thực hiện tốt chính sách di dời bắt buộc người dân tránh bão trực tiếp với hơn 130.000 người ở các điểm xung yếu, do đã có nhiều kinh nghiệm và làm tốt công tác “Bốn tại chỗ” phòng tránh bão như gọi tất cả tàu thuyền trên biển về bờ, chằng chống, chèn bao cát lên mái nhà... nên thiệt hại về người và vật chất trong cơn bão số 9 này đã được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, do sức mạnh quá lớn và do sự di chuyển đột ngột về hướng của bão nên hậu quả để lại vẫn rất lớn tại 10 tỉnh, thành phố miền Trung này...
Tại Đà Nẵng, đến nay, các ngành chức năng và nhân dân đã cơ bản di chuyển, dọn dẹp xong hơn 6.000 tấn rác rưởi, cây đổ ra khỏi thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường; còn hàng chục đoạn kè biển bị bão đánh vỡ, sập, 5 con tàu biển cỡ nhiều ngàn tấn bị sóng bão nhấc hẳn lên bờ như đồ chơi trẻ em thì công tác khắc phục chắc còn phải dài ngày nữa...Điều cơ bản nhất, cấp bách nhất lúc này vẫn là ổn định cuộc sống của bà con nhân dân trong vùng bão tàn phá.
Đến Quảng Ngãi - tâm điểm của trận bão lịch sử này, chúng tôi không khỏi xúc động trước những gian khổ, mất mát của bà con nơi đây do bão số 9 gây ra. Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền hai chục hải lý - nơi nổi tiếng với Lễ thề khao lính Hoàng Sa, với sản phẩm truyền thống “tỏi Lý Sơn”, “hành Lý Sơn”... bị bão số 9 “thăm” đầu tiên với tất cả sức mạnh của nó. Cả 3 xã đảo An Vĩnh, An Hải và An Bình đều bị tàn phá nặng nề: 45 nhà sụp hoàn toàn, 3.360 nhà tốc mái, 11 người bị thương, 2 người chết, 28 tàu thuyền bị chìm, cầu cảng bị gãy thành 3 đoạn, hành, tỏi, đất cũng thi nhau “ra biển”. CCB Lý Sơn có 393 hộ thì 331 nhà bị tốc mái, 4 nhà bị sập hoàn toàn. Gặp được các anh lãnh đạo những ngày này thật khó, cả Chủ tịch CCB huyện Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Nguyễn Bằng, các cán bộ Hội xã đều đang đi làm công tác ổn định đời sống, sửa nhà... giúp cho nhân dân, đồng đội, mặc dù chính nhà của các anh cũng bị hư hại. Huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) - nơi có Khu công nghiệp Dung Quất “chiếu tướng” với huyện đảo Lý Sơn, trực diện là các xã Bình Thạnh, Bình Minh cũng bị thiệt hại nặng nề. Đưa chúng tôi đi thăm thực địa, các anh Nguyễn Duy Khắc - Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Hùng Tuấn - Chủ tịch Hội CCB xã Bình Thạnh cho biết những con số thật đau lòng khi mà người dân biển xã này bị chết 4 người, chìm 25 tàu, 181 nhà bị sập hoàn toàn, 81 nhà bị hỏng nặng, cả 3 trường học của xã mới xây xong nay bị tốc mái, đổ tường, gãy ghế, gãy bàn, ướt hết sách vở, ướt bộ máy tính..., học sinh phải nghỉ học dài ngày. Cực nhất là hơn 3.000 chum nước mắm (mỗi chum hàng trăm lít) của người làm mắm bị đổ vỡ, bị nước mưa nay bốc mùi thum thủm, bị hỏng hoàn toàn. “Miếng ăn đến miệng” nay lại phải tự tay đổ đi. Người dân thôn Hải Ninh đau xót đến thẫn thờ khi chỉ cho chúng tôi vị trí của 17 ngôi nhà với tất cả các tài sản phía trong đã bị bão số 9 cuốn toàn bộ xuống biển khi xâm thực vào đất liền hàng trăm mét. May mà người chạy ra kịp, 17 hộ dân ấy, trong đó có hàng chục hộ mà chủ nhà là hội viên CCB như nhà các anh Lê Ngọc Thành, thương binh 1/4, Nguyễn Văn Thủ... nay trở thành trắng tay, không nhà, không đất, không tài sản, phải tá túc trong nhà bà con, họ hàng. Nhà sập, cây đổ khắp nơi. Điện lưới và điện thoại cố định, điện thoại di động đang dần được khắc phục. Vấn đề là cái ăn cho dân. 200 thùng mì tôm mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất ủng hộ được nhân dân “xử lý” đánh vèo... Hàng chục vấn đề cần giải quyết cấp bách đặt ra trước mỗi cán bộ, đảng viên và CCB nơi đây. Điều làm mọi người xúc dộng là, các hội viên CCB và CQN trong xã đều là lực lượng chính tham gia các hoạt động cứu trợ cho dân, dọn dẹp xử lý môi trường, giúp nhau sửa nhà... Tích cực nhất là các anh Lê Minh Dưỡng, Lê Văn Hoà, Nguyễn Hoa, Đặng Văn Diện, Lê Viết Lai, Đỗ Thanh Minh, bác Đặng Công Hiền... ở thị trấn Châu Ô (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, chúng tôi đã gặp “Người đương thời” - hội viên CCB Phạm Trung Trường nổi danh làm kinh tế giỏi với trang trại trồng rừng 650 ha ở xã Bình An, chuẩn bị đi báo cáo điển hình ở T.Ư Hội CCB Việt Nam. Vậy mà, bão số 9 này đã quật gãy của anh có đến 600 ha keo lai, xà cừ, dầu giái, sao đen, lim xanh... vừa 7 năm tuổi, phá sập cả chuồng rắn, 5 ha ao cá, ba ba... thiệt hại hơn 60 tỷ đồng. Rồi còn biết bao gia đình suốt một dải từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... bị sập, trôi mất các lồng bè nuôi cá, tôm hùm, đồng muối... Hầu như nhà nào cũng bị thiệt hại hoặc ít, hoặc nhiều, có người mất cả cơ nghiệp. Tuy nhiên, bão không thể bẻ gãy ý chí của họ được, họ vẫn đang tiếp tục sống và vươn lên, giúp đỡ nhau bằng vật chất, ngày công lao động để gia đình hội viên gặp hoạn nạn nhanh chóng vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, với sức dẻo dai, bền bỉ của con người miền Trung, với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với ý chí “bàn tay ta làm nên tất cả” của con người Việt Nam.
Cả nước đang cùng đồng bào miền Trung - Tây Nguyên chung tay vượt qua bão lũ với sự trợ giúp lớn lao và kịp thời về vật chất và tinh thần. Hàng ngàn chuyến xe đầy ắp, hàng vạn con người và hàng triệu tấm lòng nhân ái đang ngày đêm hướng về miền Trung. Các ngành, các đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng quân đội và công an đã được triển khai từ trước, trong và sau bão lũ để giúp dân, cứu tài sản. ở miền Trung bão lũ những ngày này, chúng tôi cảm thấy rõ lắm và cần lắm sự giúp đỡ ấy từ truyền thống, từ đạo lý và nghĩa vụ của mỗi con người Việt Nam vì “Khúc ruột miền Trung” thân yêu để cuộc sống tiếp tục đơm hoa, kết trái. Đó đây, chúng tôi đã nghe tiếng trống ếch rộn ràng của các cháu thiếu nhi đón mừng Trung thu.
Nguyễn Phát - Lê Doãn Chiêu