Nghĩa tình trên chiến trường xưa
Khánh thành Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 263, Quân khu 8 tại xã An Lục Long, huyện Châu thành.
Chuyện gần 60 năm trước
Đêm 2-5-1968 (6-4, Mậu Thân), sau khi đánh và tiêu diệt đồn Đông Sơn, huyện Gò Công và đồn Quơn Long, huyện Chợ Gạo,tỉnh Tiền Giang, Tiểu đoàn 263 Bến Tre rút quân về qua ấp Cầu Ván, xã An Lục Long,huyện Châu Thành, tỉnh Long An, thì trời vừa sáng. Không kịp vượt qua đường theo kế hoạch, buộc bộ đội phải dừng chân ở một ấp mà địa hình trống trải, bằng phẳng, rất bất lợi trong phòng ngự nếu phải đụng độ với địch. Không còn cách nào khác, đơn vị tổ chức ém quân tại đây chờ đêm hành quân tiếp. Để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra, đơn vị tổ chức trú quân theo đội hình chiến đấu và bí mật xây dựng công sự, trận địa, ngụy trang kỹ bằng cây xanh, cỏ khô, rơm rạ...
Không hiểu vì sao mà tin tức chuyển quân và địa điểm đóng quân của bộ đội ta bị lộ. 9 giờ sáng ngày 3-5-1968, địch ùn ùn đổ quân bao vây, cả Tiểu đoàn lao vào cận chiến với địch đông hơn nhiều về quân số và áp đảo vềvũ khí trang bị, nhưng toàn đơn vị vẫn anh dũng chiến đấu chống trả quân địch hết sức quyết liệt, gây cho chúng nhiều thương vong. Sau nhiều lần đánh vào không được và bị tổn thất lớn, địch liền tăng cường lực lượng bổ sung. 12 giờ cùng ngày, lực lượng của sư đoàn 7 ngụy có máy bay ném bom, trực thăng vũ trang và 50 xe tăng, xe bọc thép yểm trợ kéo đến đánh vào trận địa ta. Do cơ số đạn ít ỏi đã sử dụng gần hết trong hai trận đánh trước đó, nên bộ đội ta chiến đấu chủ yếu bằng lưỡi lê, báng súng và một ít lựu đạn còn sót lại và đã hy sinh anh dũng.
Chú Phạm Văn Hà - một nhân chứng hồi đó kể:
- Lúc đầu, địch dùng hỏa lực của máy bay, xe tăng đại bác băm nát trận địa ta trong khoảng 1km2; sau đó mới xua quân vào, súng phun lửa trên xe bọc thép thiêu sạch mọi thứ kể cả cây cối, nhà cửa khiến trận địa ta tan hoang.
Còn chú Đoàn Văn Thành kể:
- Sau khi im tiếng súng, dân trong ấp kéo ra, chứng kiến hình ảnh hết sức đau lòng. Xác bộ đội ta nằm rải rác khắp nơi, bọn địch đi lại ngênhngang, quay phim chụp ảnh và xả súng bắn bồi vào những chiến sĩ ta bị thương.
Ngay lúc đó, một cuộc đấu tranh binh vận của nhân dân nổ ra. Sau một hồi bà con ta đấu tranh lý lẽ và giằng co với địch; bọn chúng mới cho nhân dân đưa xác bộ đội chôn cất. Trong trận đánh không cân sức này có khoảng 130 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Duy nhất chỉ biết tên 1 liệt sĩ quê Hà Nội qua giấy tờ trong túi áo, số còn lại đều là liệt sĩ vô danh.
Tấm lòng dân nơi chiến trường xưa
Những năm trước giải phóng, dù sống trong sự đàn áp kìm kẹp của địch, nhân dân địa phương vẫn âm thầm tưởng nhớ đến các liệt sĩ, đến ngày 7-4 âm lịch hằng năm; mỗi gia đình ở An Lục Long đều làm mâm cơm mang đến thờ cúng tại nấm mồ tập thể của 130 liệt sĩ của Tiểu đoàn 263 Bến Tre. Cũng tại nơi liệt sĩ nằm lại, bà con đóng góp vật liệu dựng lên 1 ngôi miếu thờ các liệt sĩ, chủ yếu bằng gỗ tre, dừa nước tạm bợ, nhưng ấm áp nghĩa tình.
Sau năm 1975, tuy hài cốt liệt sĩ đã được nhân dân địa phương quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, nhưng thành thông lệ hằng năm, đám giỗ 130 liệt sĩ ở địa phương vẫn được duy trì trong suốt 56 năm qua. Từ chỗ tự phát ban đầu, dần dần đám giỗ được thực hiện nền nếp, có sự lãnh đạo của chi bộ ấp, có Ban tổ chức tổ chức thực hiện. Ngoài tiền ngân sách xã chi cho đám giỗ, nhân dân địa phương còn tình nguyện đóng góp kinh phí để hỗ trợ. Hằng năm đến ngày 7-4 âm lịch, bà con trong ấp tụ tập về ngôi miếu để tưởng nhớ 130 liệt sĩ đã hy sinh. Nghi thức cúng giỗ được tiến hành rất trang trọng. Sau khi thắp hương cúng giỗ là chào cờ, mặc niệm, đọc diễn văn và bí thư chi bộ báo cáo những thành tích về kinh tế,văn hóa, xã hội của ấp trong năm qua.
Để nơi thờ cúng liệt sĩ được tươm tất hơn, nhân dân trong ấp tình nguyện đóng góp kinh phí xây dựng nơi thờ cúng liệt sĩ gồm khuôn viên hàng rào, Nhà tưởng niệm với kinh phí hàng chục triệu đồng (năm 1989). Trong đó má Thanh Thị Anh, 77 tuổi, ở thị trấn Tầm Vu đóng góp gần 5 triệu đồng, cùng hàng chục bà má người góp của, ngườivận động con cháu góp công. Các má nói rằng:“Thấy nơi thờ cúng liệt sĩ chỉ là túp lều tranh thấy thương, thấy tội quá” nên các má góp sức làm.
Một mẹ liệt sĩ là má Nguyễn Thị Tưng, 86 tuổi ở xã Châu Hòa, huyện Giông Trôm, tỉnh Bến Tre hằng chục năm lặn lội tìm tung tích con trai mình. Khi biết con má là liệt sĩ Lê Minh Huệ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh tại ấp cầu Ván, An Lục Long, Châu Thành, Long An, má đã lặn lội đến tìm. Dù không tìm được mộ con nhưng má biết rằng con trai má là 1 trong số 130 liệt sĩ được nhân dân địa phương quy tập vào nghĩa trang trong ngôi mộ tập thể và tận mắt chứng kiến hình ảnh người dân địa phương tổ chức đám giỗ cho con trai má và đồng đội, má đã òa khóc và nói: Như vậy là tui mãn nguyện lắm rồi!
Từ ngôi miếu đơn sơ thành khu tưởng niệm
Nghĩa tình nối tiếp nghĩa tình, để tri ân và tôn vinh sự hy sinh của các liệt sĩ Tiểu đoàn 263, theo đề xuất của thân nhân liệt sĩ và nhân dân xã An Lục Long, huyện Châu Thành đã mở rộng và xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 263 khang trang hơn; với các hạng mục, gồm: Đền thờ, khu mộ gió, khu nhà lưu niệm,… tổng diện tích trên 6.000m2, kinh phí hơn 20 tỷ đồng (được huy động từ 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre).
Năm 2022, công trình thi công cải tạo, nâng cấp Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 263, Quân khu 8 hoàn thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Khi khu tưởng niệm đưa vào sử dụng đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của các CCB, thân nhân liệt sĩ Tiểu đoàn 263, cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 3 tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang; thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," góp phần thiết thực vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc.
Trung Dũng