Nghĩ từ một cuộc gặp mặt (31/03/2011)

Những người đã may mắn trở về và sống thầm lặng 45 năm qua. Trong đoàn nữ quân y tham gia vào chiến trường B đầu tiên của một bệnh viện tuyến cuối cùng, giờ đây họ mới có dịp gặp lại đồng đội năm xưa với những kỷ niệm khó quên.

Tuổi đôi mươi phơi phới, trái tim hừng hực bởi tình yêu đất nước, đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nên khi nghe thông báo lệnh tập trung đi vào phục vụ chiến trường Tây Nguyên (Mặt trận B3), 24 cô gái đang độ thanh xuân, đều hăng hái nhiệt tình, vô tư quyết tâm nhận nhiệm vụ vào miền Nam phục vụ thương binh, bệnh binh. Mọi người đều phấn khởi sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Đảng và quân đội giao phó. Trước khi đi phải rèn luyện tập hành quân để có đủ tiêu chuẩn sức khỏe sẵn sàng cho cuộc vượt Trường Sơn mà lúc đó chưa ai hình dung đươc thế nào là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Mặt trận Tây Nguyên ác liệt và gian khổ, trên những cung đường dài âm u, ẩm ướt, rồi mưa kéo dài lê thê suốt sáu tháng trời ròng rã. Muỗi, vắt, ruồi vàng và nhiều côn trùng khác thả sức tung hoành. Là nam giới đã khổ, phụ nữ càng cực khổ hơn nhiều vì quần áo, tư trang, đồ dùng riêng tư chẳng mấy khi giữ được khô, sạch. Chị em phải cắt đi mái tóc dài óng mượt của mình cho khỏi vướng và chấy, bẩn. Sống giữa những nơi bị rải chất độc hóa học, có những đồng chí uống phải chất độc vừa rải xong tưởng trời mưa, một tuần sau tóc bị rụng hết. Rồi bom đạn ác liệt, biệt kích rình rập, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… và bao nhiêu khó khăn không thể nói hết bằng lời.

Nhưng thiếu thốn khó nhọc không làm nhụt đi tinh thần quyết tâm và nghị lực của các chị. Đoàn nữ quân y Viện 211 vẫn bất chấp hiểm nguy làm nhiệm vụ của một bệnh viện dã chiến tuyến cuối cùng là tiếp nhận thương binh từ các mặt trận trực tiếp chuyển về, luôn bám sát chiến trường.

45 năm sau ngày giải phóng, những nữ quân y năm xưa giờ đều đã có cuộc sống riêng, nhưng họ vẫn luôn nhớ về nhau, dành cho nhau sự quan tâm săn sóc, những tình cảm ấm nồng… Hôm nay gặp lại, họ ôm chầm lấy nhau trong nụ cười nước mắt. Những mái tóc xanh giờ đã bạc màu thời gian, những gương mặt hằn vết chân chim bỗng như trẻ lại, bồi hồi nhớ về một thời đạn lửa.

Bà Trần Thục Oanh vẫn ngậm ngùi mỗi khi nghĩ về những đồng đội của mình. Bác tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch, bây giờ trở về đời thường, bác tiếp tục tham gia ở Hội Chữ thập đỏ, cùng các đoàn đi khám từ thiện cho những người dân nghèo; tham gia ban liên lạc Hội Nữ cựu quân y Viện 211 để tổ chức các hoạt động tình nghĩa thăm hỏi chị em lúc ốm đau, khó khăn.

Tuy vậy, vẫn còn có những nữ quân y có hoàn cảnh thật sự khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, đau thương như bà Nguyễn Thị Ninh (39 Hàng Bún, Hà Nội), là nữ quân y nhỏ tuổi nhất đi phục vụ Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1972, trở ra Bắc lập gia đình, chồng là thương binh chấn thương sọ não, gia đình hiện gặp rất nhiều khó khăn. Hay như bà Phạm Thị Minh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng từng có những năm tháng là y tá của Viện 221. Từ ngày đất nước thống nhất đến giờ, bà Minh hầu như chưa được hưởng một chế độ quan tâm hay hỗ trợ về sức khỏe. Bà chỉ mong mỏi là được các đoàn thể quan tâm khám chữa bệnh vì đang chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.

Những người còn sống đến hôm nay đang mang trên mình nhiều vết thương bom đạn. Nhiều người có con bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, có chồng mang nhiều thương tật, thu nhập thấp hoặc nhà ở xuống cấp. Cuộc gặp mặt không chỉ là để "ôn cố tri tân" mà còn là để cả xã hội nhìn nhận họ bằng cái nhìn quan tâm và có trách nhiệm hơn nữa.

Tuyết Ánh