“Nghị quyết Thuận thiên”
Nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao tại Bạc Liêu
Tuần qua “thuận thiên” là từ được nhắc đến nhiều nhất, kể cả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và ngoài “quán nước”…
Nguyên cớ là Chính phủ vừa sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ Hội nghị này, vấn đề tôn trong quy luật của tự nhiên (thuận thiên) được Chính phủ và các cấp, các ngành tiếp tục khẳng định nghiêm túc hơn, làm rõ hơn một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, xâm nhập mặn, khô hạn ở ĐBSCL thời gian gần đây là do chúng ta đã “can thiệp”, thậm chí làm trái môi trường tự nhiên.
Chính vì thế mà Nghị quyết 120/NQ-CP còn được các nhà khoa học gọi là “Nghị quyết Thuận thiên”.
Phải nói ngay rằng “thuận thiên” không phải phát hiện gì mới mà là Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật về cách khai thác tài nguyên sai của chúng ta ở ĐBSCL.
Những “con số biết nói” ở ĐBSCL sau 3 năm thay đổi mô hình canh tác; những tham luận hàm lượng khoa học cao tại Hội nghị sơ kết đã làm sáng tỏ hơn - rằng con người chỉ có thể tồn tại trong điều kiện hành động phù hợp với quy luật tự nhiên.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhưng nhìn rộng ra thì thấy một thực tế là không chỉ ĐBSCL mà rất nhiều nơi, nếu như không muốn nói hầu hết trên đất nước ta đã và đang khai thác tài nguyên trái với quy luật tự nhiên, như phá rừng già; khai thác cát cạn kiệt; san núi, lấp sông vô tổ chức; đánh bắt cá tận diệt; săn bắt động vật quý hiếm… Kết quả là đã bị “Mẹ Thiên nhiên nổi dận” - điển hình nhất là những vụ sạt lở núi ở miền Trung năm 2020.
Chính vì thế, “Nghị quyết Thuận thiên” không phải chỉ dành riêng cho ĐBSCL mà là Nghị quyết của các cấp, các ngành, của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Huy Thiêm