Nghị quyết 847 của Quân ủy T.Ư về tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: Vai trò nêu gương của cán bộ
Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu A Đới (tỉnh Thừa Thiên Huế) giúp người dân xã Lâm Đới (huyện A Lưới) thu hoạch lúa.
Thực hiện tốt phương châm “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực học tập, làm theo”; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương. Đó là quan điểm được xác định trong Nghị quyết 847 của Quân ủy T.Ư về tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân
Để gìn giữ, trao truyền và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình hiện nay thì việc nêu gương, làm gương của đội ngũ cán bộ các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, suy cho cùng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chỉ có thể được nhận diện bằng những việc làm, hành động cụ thể của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Hằng năm, các đơn vị trong toàn quân đều tổ chức nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới; những thanh niên nhập ngũ cũng chính là lực lượng đông đảo, nòng cốt, xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ của Quân đội. Vì vậy, để những giá trị, nhân cách và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được lan truyền, thấm sâu vào mỗi người chiến sĩ, thì hành động của người cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân phân tích: “Một hành động của người cán bộ có tác dụng rất lớn đối với chiến sĩ. Cho nên, hơn lúc nào hết, trong điều kiện thời bình, thì sự gương mẫu của cán bộ là một bài học đầu tiên đối với chiến sĩ và đó cũng là một cách thể hiện tốt nhất phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Muốn người ta theo mình thì phải làm gương trước” và “Một tấm gương sáng bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bản thân Người cũng chính là một tấm gương sáng, vô cùng cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, việc Quân ủy T.Ư nhấn mạnh vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong Quân đội là sự kế tục, vận dụng tư tưởng của Bác Hồ vào thực tiễn quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ Quân đội. Ông nêu 4 vấn đề mà mỗi cán bộ, đảng viên trong Quân đội cần phải thiết thực thực hành nêu gương: “Một là phải nêu gương về lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của nhân dân. Hai là, nêu gương về trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ. Ba là nêu gương về đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Thứ tư là nêu gương về mối quan hệ nhân dân, phải thật sự gắn bó, hòa đồng thương yêu nhân dân”.
Có thể thấy rằng, việc Quân ủy T.Ư chỉ đích danh 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Nghị quyết 847 đã đặt toàn quân vào thế chủ động đấu tranh, ngăn ngừa, phòng chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Quan điểm cần phải chú trọng đến vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ cũng chính là để cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhận thức được trách nhiệm chính trị của mình trong việc gìn giữ danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Trách nhiệm đó thuộc về lương tâm, nghĩa vụ và đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nêu gương và biết nêu gương thì ngoài ý thức và tinh thần tự giác của cán bộ, cũng rất cần có những cơ chế bảo vệ, động viên và khuyến khích họ thực hành nêu gương. Đây cũng là quan điểm của Trung tướng Trịnh Đình Thạch - Chính ủy Quân khu 5: “Nếu như cán bộ dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị mà các đồng chí đó chưa thành công và có sai sót thì căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng ta tiếp tục động viên cán bộ, chứ không vì cái nhỏ mà kiểm điểm hoặc thi hành kỷ luật anh em. Những đồng chí có trách nhiệm cao, năng lực tốt, có phẩm chất đạo đức, có ý chí vươn lên, hàng năm được khen thưởng thì cần phải xem xét bổ nhiệm, nâng lương, thăng quân hàm trước niên hạn để khuyến khích”.
Để gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, Nghị quyết 847 cũng chỉ rõ, cần quan tâm phát hiện, xem xét điều động, bổ nhiệm những cán bộ trẻ, cán bộ cấp cơ sở có bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm trong công tác, có khát vọng cống hiến vì lợi ích chung. Đây chính là cơ sở quan trọng tạo động lực cho cán bộ, đảng viên phấn đấu và cống hiến… Và đó cũng là niềm cổ vũ song hành với cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình thực hành nêu gương.
Văn Lực