Trong đó, đã đưa ra 13 nhóm giải pháp gồm nhiều hỗ trợ, ưu đãi nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch nông, thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân.
Thực tế, những năm qua, nông nghiệp nước ta đã phát triển với tốc độ khá, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản lại chưa được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch, năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản còn nhiều hạn chế, bất cập… cũng là những nguyên nhân gây ra tổn thất sau thu hoạch.
Để hạn chế thực trạng trên, 13 nhóm giải pháp đã được đề cập đến, theo đó, với mục tiêu cụ thể là giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo từ 11-13% hiện nay xuống 5-6% vào năm 2020, với ngô từ 13-15% xuống 8-9%, rau quả và thủy sản từ 20% xuống dưới 10% cũng như cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%. Chính phủ chỉ đạo, đối với lương thực (lúa, ngô), tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến như thu hoạch lúa bằng máy đạt 50% vào năm 2020, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn có công nghệ tiên tiến…
Đối với thủy sản, xây dựng ao nuôi đảm bảo kỹ thuật, cải tiến công nghệ bảo quản, xây dựng hệ thống kho ngoại quan. Đối với cà phê, rau quả và một số nông sản khác (cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều), Nhà nước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật, máy sấy tiên tiến…
Ngoài ra, dành nhiều ưu đãi cho tổ chức, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhà nước thực hiện miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia…
Được biết, hiện nay, tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch lúa là 11 – 13%, ngô 13-15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất trên 20%... Như vậy, nếu chỉ tiết giảm một phần nhỏ tổn thất thì cũng có thể mang lại lợi ích rất lớn./.

Cao Thuý