Nghị lực của một thương binh (03/10/2012)

Anh Thành sinh năm 1951, ở phường Trường Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tháng 5-1972, mặc dù người anh trai là Cao Văn Khánh hi sinh trên chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) vừa được báo tử, bản thân đang là sinh viên năm thứ ba, ngành máy thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng anh vẫn xung phong nhập ngũ. Đó là một mùa hè đỏ lửa, Hà Nội có hàng ngàn sinh viên xếp bút nghiên lên đường tòng quân đánh giặc. Sau khóa huấn luyện, anh hành quân vào Quảng Trị với nhiệm vụ chiến sĩ thông tin 2 oát, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Anh thường xuyên bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chiến đấu dũng cảm, được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng ba, trong chiến thắng Cửa Việt; được kết nạp vào Đảng sau trận Tường Vân…

Trong chiến dịch giải phóng TP Huế, ngày 23-3-1975, đơn vị có nhiệm vụ chốt chặn khu vực cầu Hai để ngăn chặn không cho quân địch rút chạy vào Đà Nẵng. Đang truyền lệnh của chỉ huy thì tổ thông tin bị một quả đạn cối rơi trúng đội hình. Tiểu đội trưởng hi sinh, anh bị nhiều mảnh đạn găm khắp mình, vào cả hai mắt và làm vỡ khớp vai phải. Tại tổ phẫu thuật tiền phương của mặt trận, mắt bị mờ dần, anh viết vội mấy dòng cho chị Phan Thị Thu Song, bạn cùng tổ học tập mà anh đã ngỏ lời yêu lúc lên đường: “Song! Anh bị thương vào mắt phải, tay phải bó bột, đang điều trị, tới đâu sẽ viết thư sau. Em yên tâm, học tốt”.

Sau đó, anh Thành được điều trị qua các trạm quân y, trung tâm điều dưỡng luân chuyển dần ra Bắc, nhưng hai mắt bị mù hẳn và khớp vai phải bị tật nguyền. Thời gian này Trường đại học Bách khoa đang sơ tán tại Việt Trì, Phú Thọ. Chị Song đã tới một số bệnh viện tìm anh rồi hai người gặp nhau ở Quân y viện 108. Hôm đó vào buổi tối, trời se lạnh, Hà Nội trong thời chiến thưa vắng và hạn chế ánh sáng. Anh Thành mang băng quấn kín mặt, một tay cố định bên người. Khi chị đang đứng ở cửa, thì một thương binh giường ngoài gọi to “Thành có khách này”. Cao Văn Thành nức nở: “Em mù thế này thì còn ai tìm nữa”. Chị Song bước vào nói to: “Em, Song đây”. “Không, Song của tôi giọng khác cơ, các anh đừng đùa tôi”. Nước mắt của Thu Song lăn dài, chị vội ôm lấy Thành mà kể: “Em đây. Anh viết thư bảo rằng chỉ bị thương vào mắt phải cơ mà. Sao lại băng kín thế này”. “Anh bị mù rồi, đừng tìm anh nữa”… Sau này anh đi nhiều bệnh viện, xin phẫu thuật để chữa lấy một bên mắt nhưng không cứu được.

Năm 1976, anh Thành về sống tại gia đình ở Thanh Hóa. Khi đi đăng ký kết hôn anh mới biết chị Song sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với mình. Chị quê ở Hà Tĩnh, gia đình cư trú tại Hưng Yên, ra trường được ở lại Hà Nội, nhưng chị xin về Thanh Hóa để gần anh. Chị giữ các cương vị quản đốc phân xưởng, cán bộ phòng kỹ thuật, phòng kế hoạch nhà máy mỳ, nay là Nhà máy bia Thanh Hoa. Còn anh Thành ở nhà một mình, nên anh đi học chữ nổi. Khi thành thạo, anh dò dẫm đi dạy lại cho những người khiếm thị ở địa phương, chỉ mong còn sống thì cố giúp ích cho đời. Năm 1982 thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) chủ trương thành lập Hội Người mù và anh Thành được phân công đi vận động. Thế là không quản vất vả, nắng mưa, sớm tối, khi chị Song tranh thủ được thời gian là anh lại ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch để chị chở đi các nơi cho anh mời người mù vào hội. Khi đại hội, anh Thành được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù của thị xã. Năm 1989, Đại hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, anh Thành được bầu làm Chủ tịch.

Trước sự tiến bộ của anh, chị Song lại tiếp tục đi học tại chức, đại học văn bằng hai ở Học viện Hành chính quốc gia rồi chuyển về Hội để giúp anh trong công tác. Anh Thành đã vận động thành lập được Hội Người mù ở 20 huyện, thị xã trong tỉnh. Từ cuối năm 1997 đến nay, anh Thành được bầu làm Phó chủ tịch Thường trực Hội Người mù Việt Nam. Anh chuyển gia đình ra Hà Nội, chị Thu Song được điều động làm Chánh Văn phòng tổng hợp của T.Ư Hội rồi nghỉ hưu năm 2005, hiện đang là đại biểu HĐND phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Anh chị được ba người con, người con gái đầu bị di chứng chất độc da cam không học tập, lao động được, còn hai người con sinh sau đều qua đại học và có việc làm ổn định và trưởng thành. Anh cho biết: Hội Người mù Việt Nam được thành lập ở ba cấp là T.Ư, tỉnh (thành phố) và huyện (quận, thị xã). Nay cả nước có 49/63 tỉnh, thành phố thành lập Hội Người mù. Ngoài việc dạy chữ nổi, nâng cao dân trí, 5 năm qua chúng tôi đã tín chấp vay gần 44 tỷ đồng, cho hàng vạn lượt hội viên vay làm kinh tế. Chỉ có 150 triệu đồng quá hạn do rủi ro chưa trả hết.

Được biết, anh Thành còn tham gia BCH Hội Tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, BCH Hiệp hội sản xuất, kinh doanh thương, bệnh binh và người tàn tật Việt Nam. Trong cơ quan, anh là Bí thư chi bộ, Trưởng ban chỉ đạo công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và nhiệm vụ nào cũng làm tốt. Năm 2012 anh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.

Bài và ảnh: Xương Giang