Theo dự thảo, đặt cược là ngành kinh doanh có điều kiện được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định của Nghị định này mới được tổ chức kinh doanh đặt cược. Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh đặt cược trong phạm vi nội dung được cấp phép. Việc cá cược thực hiện giữa các cá nhân với nhau hoặc các tổ chức chưa được cấp giấy phép đều bị nghiêm cấm...

Dự thảo Nghị định đưa ra 3 loại hình đặt cược được thực hiện tại Việt Nam, gồm đua ngựa, đua chó và đặt cược thể thao. Đối với hình thức đặt cược thể thao, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất thí điểm với bóng đá trên cơ sở căn cứ kết quả trận đấu khi kết thúc các hiệp đấu hoặc kết quả chung cuộc... Sau quá trình thí điểm, việc mở rộng kinh doanh sang các loại hình khác sẽ do Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, lấy ý kiến xây dựng và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cũng theo dự thảo, việc đặt cược đua ngựa, đua chó không được vượt quá tần suất 3 ngày mỗi tuần ở mỗi trường đua. Đối với đặt cược bóng đá, tần suất phụ thuộc vào lịch đấu của các trận, giải thi đấu thể thao được lựa chọn để kinh doanh.

Mức đặt cược tối thiểu cho một lần là 10.000 đồng. Mức tối đa mỗi người chơi không vượt quá 1 triệu đồng trong một ngày. Thời điểm bắt đầu nhận đặt cược từ người chơi do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tự quyết định nhưng không được vượt quá 12 giờ trước khi cuộc đua đầu tiên diễn ra đối với đặt cược đua ngựa, đua chó và không được trước khi Ban tổ chức trận đấu, giải thi đấu bóng đá công bố lịch, địa điểm thi đấu đối với đặt cược thể thao.

Từ cuối 2006, các cơ quan liên quan đã đặt vấn đề quản lý đối với hình thức cá cược bóng đá. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thừa nhận loại hình kinh doanh này.

Quỳnh Anh (TH)