Nghệ thuật tạo hoa văn của người Mông trở thành di sản
Bà Chớ Thị Tàng và bà Hồ Thị Lù (người ngồi) ở bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà (Điện Biên) đang vẽ sáp ong trên nền vải lanh.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự đối với cộng đồng người Mông hoa nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện Mường Chà nói chung, trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông là một trong những tri thức dân gian đặc sắc, được tổ tiên người Mông hoa sáng tạo và truyền dạy; còn cách tạo các mô típ hoa văn đặc trưng được cộng đồng người Mông hoa ở Sa Lông phát triển từ thực tiễn cuộc sống, tạo nên sự phong phú đa dạng trong cách thể hiện các họa tiết, hoa văn.
Hầu hết các sản phẩm như: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp… của đồng bào Mông đều dựa trên kỹ thuật thêu, trang trí chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác. Với những bí truyền trong kỹ thuật vẽ sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục đã tạo nên sản phẩm trang phục truyền thống mang vẻ đẹp duyên dáng mà dung dị.
Các sản phẩm này có kiểu hoa văn hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông. Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải còn cho thấy, người Mông hoa đã phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Họ quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp người thường giao tiếp được với các thần linh, mời các thần linh tới nhà ban phát cho điềm lành, xua đi những điều dữ.
Người Mông ở xã Sa Lông vẫn luôn bảo vệ, phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và khéo léo này.
Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.
Lê Lan