Năm 1975 gia đình di dân từ huyện Diễn Châu, lên xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn cụ vẫn tiếp tục làm nghề dạy học. Trong các giờ dạy nhạc cụ tranh thủ truyền dạy dân ca Ví, Giặm cho các em.
Năm 2004 cụ được tỉnh Nghệ An cho dự lớp tập huấn về các làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Từ đó thấy dân ca quê mình hay quá, nó có ý nghĩa sâu sắc, lời hay, ý đẹp, tính giáo dục cao, cần phải lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau. Ngoài dạy cho học sinh cụ còn đề nghị với nhà trường mỗi lớp thành lập một tổ hát dân ca Ví, Giặm. Chuyển đến dạy ở trường nào cụ cũng làm như vậy. Kết quả thật bất ngờ, hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh làm cho các em thêm yêu quê hương. Nhiều em học văn, học sử giỏi từ đam mê hát dân ca. Nhân cách, đạo đức học sinh tốt hơn. Vừa dạy cụ vừa viết lời cho các em tập. Nhiều làn điệu bằng lời mới, sát với tình hình của trường, của địa phương, nhà trường đi hội diễn đạt giải, đã khích lệ học sinh và thầy cô giáo hăng hái luyện tập hơn.
Năm 2003 cụ đề xuất với UBND xã Nghĩa Hội thành lập CLB dân ca Ví, Giặm. Cụ làm chủ nhiệm. Từ đó cụ vừa dạy học, vừa chăm lo câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm của xã hoạt động. Thấy CLB dân ca xã Nghĩa Hội hoạt động có hiệu quả nhiều xã trong huyện cũng thành lập. Họ lại mời cụ đến truyền dạy. Hễ có nơi mời dạy là cụ đi ngay, đến nơi say sưa làm việc. Tính đam mê của cụ động viên người học rất nhiều. Có người không kiên trì định bỏ CLB nhưng thấy cụ đam mê quá rồi lại thôi.
Năm 1980 cụ được về nghỉ hưu, lúc này càng có thời gian nên hoạt động tích cực hơn. Năm 2011 huyện mời cụ lên làm phó Chủ nhiệm CLB văn học nghệ thuật của huyện, năm 2015 làm chủ nhiệm. Cụ mời ông Lương Quốc Liệu chơi đàn cò rất hay, cụ Phan Tất Sơn chơi đàn bầu cùng đi truyền dạy với mình. Thế là các cụ thành một bộ tam đi khắp huyện truyền dạy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đến nay không những các xã dân tộc Kinh mà cả xã bà con dân tộc thiểu số cũng thành lập CLB dân ca Ví, Giặm mời các cụ đến truyền dạy. Vừa rồi xã Nghĩa Mai, xã vùng sâu, vùng xa của huyện, kinh tế đang còn khó khăn, 17/23 xóm được hưởng chế độ 135. Dân số dân tộc Thổ và dân tộc Thái chiếm gần 80% . Được các cụ truyền dạy nhiều người dân tộc ở xã hát dân ca Ví, Giặm rất hay. CLB hoạt động đều đặn hàng tháng.
Các CLB học nhanh là nhờ cụ Hợi tự viết, bỏ tiền ra in sách học dân ca. Các CLB ngoài được học trực tiếp, còn dựa vào sách để ôn luyện, nâng cao. Trong những năm qua cụ Hợi đã cung cấp sách học hát dân ca cho 25 xã trong huyện. Cụ đã viết trên 120 vở dân ca Ví, Giặm cho các CLB. Nhiều vở các CLB đi hội diễn ở huyện, ở tỉnh đạt giải cao như: “ Nói không với thực phẩm bẩn”: “ Quê mình xây dựng nông thôn mới” . Cụ đã đào tạo được 350 người hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giỏi. Những người này là hạt nhân của các CLB và là người thay cụ truyền dạy cho nhiều người khác.
Năm 2016 cụ được bầu vào Ủy viên Ban thường vụ Hội NCT huyện Nghĩa Đàn. Cụ cùng với các cụ trong Ban thường vụ thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm của NCT. Hiện nay Hội NCT huyện Nghĩa Đàn thành lập được 7 CLB dân ca Ví, Giặm NCT hoạt động rất tốt.
Một vinh dự cho cụ Nguyễn Nghĩa Hợi năm 2015 được công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Năm nay cụ Hợi đã 83 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết đi truyền dạy dân ca Ví, Giặm. Cụ một trong những người có công rất lớn bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Bài và ảnh: Hải Hưng- Nguyễn Thị Tuyến