Nghệ nhân làm phỗng đất
CCB Phùng Đình Giáp đang nặn phỗng đất.
CCB, Nghệ nhân Phùng Đình Giáp sinh năm 1954, thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sinh trưởng trong một gia đình làm nghề truyền thống, trải qua nhiều thế hệ đến đời ông là đời thứ ba được cha ông truyền lại, ông vẫn âm thầm lưu giữ trong mình “nghề cũ” để lưu dấu những giá trị tinh hoa truyền thống cổ truyền của làng nghề.
Nhập ngũ ngày 8-4-1975, ông vào đơn vị c1, e18, f 333, Quân khu 5, đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên, 5 năm trong quân ngũ đến năm 1980 được phục viên. Trở về địa phương với cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả; sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ ông bàn bạc cùng gia đình tiếp tục duy trì nghề truyền thống của gia đình và dòng họ, cùng với bản chất người lính Cụ Hồ, nói là làm, ông bắt tay phục dựng lại nghề dân gian truyền thống cổ truyền làm “phỗng đất”. Ban đầu, ông tìm tòi học hỏi và đọc các tài liệu xưa cũ của cha ông để lại sau đó cẩn thận ghi chép tỉ mỉ rồi tìm đất sét, bột mầu làm phỗng đất.
Ông cho biết: nghề làm phỗng đất rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo qua nhiều thế hệ người thợ phải thổi hồn được vào nhân vật để mang tính nghệ thuật, sáng tạo và đậm chất dân gian xưa cũ của cha ông để lại. Phỗng đất là món đồ chơi làm bằng đất thó hay còn gọi là đất sét, đào sâu dưới bề mặt 2-3 mét rồi mang về phơi khô giã nhỏ, sàng lấy hạt đất mịn sau đó đem nhào trộn với bột giấy. Công đoạn lúc này phải rất chú ý vì làm sao cho bột giấy ngấu với bột đất và nhào viên đất thật kỹ cho đến khi đạt đến độ dẻo, tay không dây, không dính thì lúc đó mới nặn được.
Sau khi nặn xong, đem phơi qua dưới ánh nắng cho se lớp mặt rồi phủ một lớp điệp trắng trước khi vẽ mầu, phơi khô dưới nắng mặt trời.
Mầu để vẽ cho những nhân vật phỗng cũng chỉ có 5 mầu cơ bản xanh, đỏ, vàng, trắng, đen nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ sinh động của từng nhân vật. Thường thì khi nặn phỗng họ thường mô phỏng theo bộ phỗng đất gồm 5 nhân vật: Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả bao la và hình tượng con rùa trong tâm trí người Việt là biểu tượng tâm linh được thần thánh hóa; nhân vật người già và trẻ em biểu đạt sự nối tiếp truyền thống; nhân vật hình phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hòa thuận, thương yêu nhau, còn đối với người lớn thì mang ý nghĩa tượng trưng gợi nhớ hoài niệm xưa kia.
Được biết, ông đã được mời tham gia triển lãm làng nghề tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Viêt Nam… triển lãm Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội và được tặng thưởng Giấy khen của TTVH-NTVN năm 2017, tham dự Tết Trung thu phố cổ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tháng 8-2018.
Gia đình ông là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi với niềm đam mê nghề truyền thống cổ truyền của cha ông để lại, là điểm đến thu hút của nhiều du khách đến học tập tham quan, mua sắm.
Bài và ảnh: Hữu Thuận