Nghe lén đồng minh
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G7 ở Hà Lan năm 2014.
Báo tháng 6 - Lòng tin giữa Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương lại bị sứt mẻ nghiêm trọng khi tin nhiều cơ quan truyền thông châu Âu cùng phối hợp với nhau điều tra và đăng tải việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám các lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Âu.
Chuyện an ninh Mỹ nghe lén, do thám lãnh đạo các quốc gia khác, kể cả đồng minh châu Âu của mình, cũng chẳng phải chuyện mới. Thế nhưng, vụ việc lần này nghiêm trọng hơn nhiều nếu được chứng minh là đúng bởi Mỹ lợi dụng cả đồng minh để do thám đồng minh.
Sự việc vỡ lở ngày 30/5 khi đài phát thanh DR của Đan Mạch đưa tin, từ năm 2012 đến 2014, NSA đã lợi dụng hợp tác tình báo với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để thực hiện việc do thám, bao gồm việc truy cập vào các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập Internet, trong đó có nội dung tìm kiếm, nội dung chat và các dịch vụ nhắn tin của quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp. DR đã công bố thông tin trên sau một cuộc điều tra phối hợp với kênh truyền thông SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), báo Le Monde (Pháp) cùng các kênh NDR, WDR và báo SZ của Đức.
Theo DR, trong số các quan chức bị do thám ở Đức có Thủ tướng Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức khi đó là ông Frank-Walter Steinmeier và chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Peer Steinbruck. Kế hoạch do thám được nêu chi tiết trong báo cáo nhóm làm việc nội bộ tối mật mang mật danh "Chiến dịch Dunhammer" và được trình giới lãnh đạo chóp bu của FE hồi tháng 5/2015. Theo DR, các thông tin được thu thập từ 9 nguồn khác nhau, những nguồn có thể truy cập vào các thông tin mật của FE, đồng thời cho biết những tiết lộ này đã được một số nguồn xác nhận độc lập. Bộ Quốc phòng Đan Mạch, FE và người đứng đầu cơ quan này giai đoạn trên chưa phản hồi thông tin liên quan nhưng theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen, người nhậm chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng quốc gia Bắc Âu từ tháng 6/2019, đã được thông báo về hoạt động này từ tháng 8/2020. Bà Bramsen nhấn mạnh việc nghe lén một cách có hệ thống các đồng minh thân cận là điều "không thể chấp nhận".
Rõ ràng, nếu có việc do thám được làm trên quy mô lớn với đồng minh như vậy sẽ gây xói mòn niềm tin nghiêm trọng, nhất là trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Bức xúc trước sự việc trên, ngày 31/5, Pháp đã phải lên tiếng cảnh báo rằng việc NSA lợi dụng quan hệ đối tác với FE để do thám các đồng minh châu Âu là vấn đề "cực kỳ nghiêm trọng" nếu được khẳng định. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune, nói: "Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi cần phải đánh giá liệu các đối tác của chúng tôi tại EU có vi phạm hay mắc sai sót gì trong quá trình hợp tác của với các cơ quan của Mỹ". Trong khi đó, tiếp cận vấn đề một cách thận trọng và nhẹ nhàng hơn, các quốc gia láng giềng của Đan Mạch như Thụy Điển, Na Uy cũng yêu cầu Copenhagen giải thích về vấn đề này. Ngoài ra, một phát ngôn viên của Chính phủ Đức tuyên bố rằng Berlin đã "liên hệ với với tất cả những bên liên quan trong nước và quốc tế để có được lời giải thích rõ ràng".
Trong khi phía Đan Mạch chưa đưa ra lời giải thích thì giới chuyên gia đã liên hệ với thông tin mà họ có trước đó để chứng minh. Theo đó, năm 2013cựu nhân viên kỹ thuật và là nhà thầu phụ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã tiết lộ rằng Chính phủ Mỹ đang do thám chính công dân và các đồng minh của nước này. Năm 2013, truyền thông Đức tiết lộ cơ quan mật vụ Mỹ đã theo dõi điện thoại di động của bà Merkel. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta không biết rằng quốc gia láng giềng Đan Mạch có hỗ trợ Mỹ trong hoạt động này hay không. Tháng 11/2020, DR cho biết Mỹ đã sử dụng hệ thống cáp Internet của Đan Mạch để do thám các công ty quốc phòng Đan Mạch và châu Âu từ năm 2012-2015.
Cáo buộc của DR dường như càng được củng cố khi bản thân chính một công ty là bình phong của các cơ quan tình báo đặt tại châu Âu lại bán bí mật cho bên thứ ba. Ngày 28/5, Chính phủ Thụy Sỹ đã đổ lỗi cho giới lãnh đạo cơ quan tình báo nước này vì đã che giấu bí mật liên quan việc một công ty của Thụy Sỹ trong nhiều thập kỷ qua đã bán các thiết bị mã hóa cho nhiều quốc gia, trong khi vẫn là bình phong của các cơ quan tình báo của Mỹ và Đức, đồng thời khẳng định nội các nước này vẫn chưa nắm được thông tin chi tiết về vụ việc. Theo đó, Công ty Crypto AG, có trụ sở gần khu vực Zug (Thụy Sỹ), đã bán các hệ thống liên lạc an toàn trong khi vẫn thuộc sở hữu bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND). Qua đó, giúp các cơ quan tình báo khác có thể tự do đọc được những nội dung mà thiết bị này đã mã hóa. Công nghệ của Crypto AG đã được bán cho hàng chục chính phủ các nước bao gồm Iran, Ấn Độ, Pakistan, Libya, Ai Cập, Chile và Argentina. Mặc dù một số thông tin về việc triển khai chiến dịch gián điệp liên quan hệ thống này với tên gọi "Chiến dịch Rubicon" đã được tiết lộ từ năm 2020 do các nhà báo điều tra của Thụy Sỹ, Đức và Mỹ thực hiện, nhưng vụ việc khiến Thụy Sĩ, quốc gia vốn được coi là luôn giữ lập trường trung lập, cảm thấy xấu hổ và làm dấy lên nghi vấn về việc ai thực sự nắm giữ thông tin về vụ việc này. Chính phủ Thụy Sỹ cho rằng vấn đề chính liên quan đến công ty Crypto AG không phải là do thiếu các công cụ giám sát tại Bộ Quốc phòng hoặc từ nội các của nước này mà họ đổ lỗi cho cơ quan tình báo và tổ chức kế nhiệm của nó. Chính phủ Thụy Sỹ khẳng định: "Hoạt động lâu đời này vẫn là một bí mật được giữ kín trong một nhóm nhỏ của những người trong ban lãnh đạo thuộc Cục Tình báo Chiến lược, mà sau này đổi tên thành Cục Tình báo Liên bang và do đó vụ việc đã thoát khỏi sự kiểm soát chính trị".
Như vậy, việc Mỹ đặt các công ty bình phong làm nhiệm vụ do thám tại châu Âu là có thật trong khi việc nghe lén chính các đồng minh vẫn chờ một lời giải thích từ Đan Mạch. Thông thường, những vụ việc kiểu này sẽ được giải quyết theo kiểu “đi đêm” bởi dù gì Mỹ và châu Âu vẫn là những đồng minh chung nhiều lợi ích. Thế nhưng, dù lợi ích đó là gì thì lòng tin giữa các đồng minh đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ việc trên.
Thanh Huyền