Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước
Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hình thành từ giữa thế kỷ XVII, do những người thợ đá từ Thanh Hóa trên đường mở cõi vào Nam dừng chân ở đây để lập làng dựng nghiệp. Thời kỳ chiến tranh, làng nghề bị tàn phá. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ từng bước được phục hồi mạnh mẽ. Nhiều người đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng quy mô, mua sắm máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến đây, du khách được ngắm các loại sản phẩm từ những chiếc nhẫn, chiếc vòng đeo tay mảnh mai, óng ánh, cho đến những pho tượng Phật, tượng danh nhân, sư tử... Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ tiêu thụ ở nội địa mà đã xuất khẩu sang Pháp, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản và nhiều nước khác, làm cho uy tín đá mỹ nghệ Non Nước lên cao. Làng nghề hiện có 575 cơ sở lớn nhỏ, thu hút trên 3.000 lao động thường xuyên. Cơ sở lớn nhất là của ông Nguyễn Hùng với 250 thợ và hàng nghìn mét vuông nhà xưởng. Trong khu sản xuất của ông, những công nhân miệt mài đẽo gọt và những sản phẩm đá sống động như có hồn níu kéo, gọi mời du khách.
Từ hoàn cảnh khó khăn hồi mới xuất ngũ, CCB Trần Văn Xuất bền bỉ vượt khó vươn lên làm giàu trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ đá mỹ nghệ; bây giờ, chẳng những có nhà tầng, ô tô, cửa hàng và xưởng sản xuất với hàng trăm công nhân mà anh còn có cả một khu nhà trưng bày tượng Chămpa - những bức tượng mà nhiều người lầm tưởng đã có từ mấy trăm năm trước nhưng kỳ thật là do chính anh Xuất và những người thợ của anh chế tác nên…
Xem khu bày bán hàng của nhà điêu khắc Nguyễn Việt Minh, ai cũng “choáng” trước hàng trăm sản phẩm vừa đa dạng về chủng loại, vừa có đủ các kích cỡ to nhỏ. Nổi bật về độ tinh xảo và gây ấn tượng đối với du khách là các bức tượng Phật, voi, cá heo bay, thần Vệ nữ... Không ít tác phẩm, anh mày mò hằng tháng trời mới hoàn thành với biết bao mồ hôi, tâm huyết...
Trải qua bao thế hệ, nghề đá mỹ nghệ mang đậm tính cha truyền con nối. Cụ Lê Bền, cụ Nguyễn Chất, cụ Huỳnh Bá Toại... thời trẻ nổi tiếng là những nghệ nhân có “bàn tay vàng”, thì bây giờ con của các cụ đều trở thành những nghệ nhân có tiếng. Đặc biệt, anh Nguyễn Long Bửu - con cụ Nguyễn Sang đã trở thành một điêu khắc gia danh tiếng, từng đoạt HCB trong cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế tại Thái Lan năm 2002 và có cả một khu vườn tượng khá rộng với hàng nghìn tác phẩm hết sức độc đáo. Nổi bật là các tượng Bác Hồ, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, các danh tướng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, các nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tượng của Nguyễn Long Bửu đã được triển lãm tại Mỹ, Ô-xtrây-li-a... được các đồng nghiệp hết lời khen ngợi.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm