Nghề “đi mong” đang trở thành cổ tích
Người “đi mong” trở về sau một ngày mệt nhoài lặn hụp dưới bùn.
Ông Lê Văn Bân, 73 tuổi, gắn bó cả đời với biển cả và nghề “đi mong” cho biết: “Không nhớ nổi nghề này có tự khi nào, chỉ biết từ thời tôi 13, 14 tuổi đã được ông và cha dạy cho cách “đi mong”. Cũng không ai lý giải được vì sao lại gọi là “đi mong”, nhưng người đi biển thường đùa nhau rằng tên gọi này xuất phát từ chính cái động tác khom cúi người làm mông nhô lên cao lúc trượt ván. Cũng chính vì vậy mà bộ đồ dùng cho nghề này cũng được gọi là “mong”. Những con cá bống sao ít ỏi còn lại.
Chiếc “mong” được chế tạo khá thô sơ. Phần chính là một ván gỗ dài hơn 1m cho người “đi mong” quỳ lên. Phía trên có gá tre để bám vào giữ thăng bằng. Bề mặt ván lướt trên mặt bùn giúp di chuyển dễ dàng ở địa hình bãi bồi. Để cho tiện, người ta còn đóng cho “mong” quai cầm, chỗ để giỏ đựng, đôi khi còn lót thêm miếng cao su để chân quỳ lên không bị ê buốt.
Sáng sớm, khi thủy triều rút cạn, bãi bồi lộ dần dài 7-8 cây số, cùng đó là những con cá, con tôm, nghêu, cua, ốc, lươn, chạch.. Người “đi mong” cúi người về phía trước, một chân quỳ lên “mong”, chân còn lại đạp xuống bùn đẩy “mong” lao đi, tay nhặt hoặc mò cua cá cho vào giỏ. Ban đêm, đạp “mong” để soi cua, cá ngát.
Ngày trước cua cá nhiều, mỗi ngày đạp “mong”, dân bãi bồi thu nhập từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhất là vào tháng Hai, con nước Rằm và Ba mươi, người “đi mong” chỉ cần ra biển hơn 10 ngày cũng dư sống cho cả tháng.
Năm, bảy năm gần đây, khu vực bãi bồi được trồng nhiều bần để lấn biển, bần mọc đến đâu rễ bần đâm tua tủa như bàn chông; cây bần làm giảm “ngư trường” của người “đi mong” đến hơn một cây số chiều ngang. Mặt khác, nghề đóng đáy, ghe cào đua nhau khai thác; lũ cá kèo, cá bống sao, thậm chí là những con cua “nhướng” (cua con, phải nhướng mắt mới nhìn thấy) lần lượt bị tận diệt. Từ đó, một chuyến đạp “mong” mất khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ - vất vả vật lộn cũng chỉ kiếm được một ít cá bống nhỏ không đủ bữa ăn cho gia đình. Nhiều ngư dân buộc phải bỏ “mong” để kiếm kế mưu sinh khác.
Dù vậy, thỉnh thoảng họ lại đem “mong” ra biển để kiếm vài con cá cho bữa cơm, hay chỉ còn dùng “mong” như là một phương tiện để di chuyển. Đôi khi đó chỉ là một thói quen khó bỏ, đạp “mong” cho đỡ nhớ nghề. Và như một hệ quả hiển nhiên, một khi “mong” không còn, những người “đi mong” cuối cùng cũng giải nghệ là lúc biển trở nên nghèo nàn, xơ xác hơn bao giờ hết.
“Mong” một thời được xem là “nồi cơm” của dân biển, nay bị bỏ nứt nẻ dưới gốc cây bần. Những ngày cả làng “đi mong” sôi nổi không còn nữa. Đa số ngư dân đã treo “mong” để lên bờ chuyển sang nuôi bò, trồng dưa, đậu. Nghề “đi mong” sắp trở thành ký ức, người “đi mong” sắp trở thành những người kể chuyện cổ tích cho lớp cháu con.
Thanh Tuyền