Nghề “đánh cược” với biển cả!

Nghề lặn biển bắt bào ngưu, ngọc trai.

Nói đến hải đảo, người ta nghĩ đó là nơi “đầu sóng ngọn gió”. Và đối với ngư dân sống trên đảo làm nghề lặn biển, người ta thường coi là một nghề nguy hiểm. Con người phải vượt trên sóng to, gió lớn, đối mặt với muôn vàn khó khăn nơi biển sâu. Những ngư dân ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ngày ngày phải mưu sinh bằng cái nghề “đánh bạc” với biển cả...

May mắn và tình cờ, trên chuyến tàu cao tốc ra đảo Cô Tô, chúng tôi gặp được hai thợ lặn đang trên đường ra đảo Cô Tô để mưu sinh bằng nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai và cá. Đó là anh Phạm Văn Tình và Nguyễn Văn Xuân, cùng ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hóa ra, nghề lặn tìm bào ngư, ngọc trai... dưới biển không chỉ riêng gì ngư dân đảo Cô Tô hay Nam Định, Thái Bình… mà còn “rải” dọc theo chiều dài đất nước.    

Ngư dân làm nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai nơi đây không được đào tạo qua một trường lớp nào mà chỉ là “cha truyền con nối”. Những thợ lặn cũng không được trang bị kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, các kỹ năng cứu hộ hay được cấp thiết bị bảo hộ khi lặn. Họ hành nghề bằng chính những kinh nghiệm có được từ thực tế họ trải nghiệm, nhưng nhiều khi, những kinh nghiệm đó thiếu khoa học. Có lẽ chính vì thiếu đi những hiểu biết cơ bản mà cái giá họ phải trả có khi là mạng sống của mình.

Anh Tình cho biết, anh theo nghề lặn này đã 25 năm và là người gắn bó được với nghề lặn biển lâu nhất tại địa phương mình. Những nơi các anh đến xa thì có Khánh Hòa, Vũng Tàu; gần có Cô Tô, Bạch Long Vĩ… Anh chia sẻ: “nghề lặn này bạc lắm, dễ bỏ mạng như chơi. Dân quê tôi bỏ nghề lặn, đi nước ngoài hết cả rồi. Giờ chẳng có mấy ai theo cái nghề này nữa”.

Anh Xuân ngồi kế bên kể thêm những trường hợp đã bị thương tật và tử vong ở quê anh cũng bởi do nghề lặn bào ngư này mà chuốc họa. Đó là anh Phượng bạn học cùng lứa đã bị nạn tử vong do bị chuột rút khi đang lặn, rồi bác họ anh Tình cũng bị liệt, bại não mà nằm một chỗ bởi nghề lặn này. Chúng tôi hỏi,  thế khi nào anh thôi làm nghề lặn biển? Anh Xuân thật thà trả lời: “Mình cũng không biết nữa. Bởi chưa tìm được việc làm để thay thế”.

Cũng theo anh Tình, những thợ lặn mỗi ngày tìm bào ngư, bắn cá dưới nước ở độ sâu 30- 40m. Những ai có sức khỏe ở được dưới biển khoảng 4 giờ, nếu cảm thấy đói bụng hay đến giờ ăn cơm thì ngoi lên tàu. Người có sức khỏe yếu, thần kinh không tốt thì được độ 2 tiếng là hết chịu nổi. Với thợ lặn bào ngư, ngọc trai thì bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét, họ luôn sẵn sàng làm việc khi có chủ tàu yêu cầu. Mùa hè, thợ lặn chỉ cần mặc bộ đồ lặn (đồ nhái) là có thể nhảy ngay xuống nước để đánh bắt hải sản. Mùa đông thì vẫn đồ nghề lặn ấy mà nhảy xuống, dù nước biển buốt giá, nhưng họ bất chấp hiểm nguy.

Chúng tôi tìm đến nhà thợ lặn Lê Văn Lâm, Khu 1, thị trấn Cô Tô, người mang thương tật do gặp nạn trong một chuyến đi lặn. Vốn không có nghề nghiệp, sau khi gặp tai nạn, anh Lâm chỉ biết trông chờ vào sức lao động chính của người vợ. Để có tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày vợ anh Lâm phải dậy từ sớm đi kiếm ăn trên bờ.  

Từ huyện đảo Cô Tô, chúng tôi lên thuyền ngược sang đảo Thanh Lân; tại đây những câu chuyện mất mát, đau thương của cái nghề thợ lặn đánh bắt thứ hải sản này vẫn được người dân vẫn kể. Những cái chết thương tâm báo trước của những thợ lặn trên đảo Cô Tô vẫn không thể ngăn được cánh thợ lặn kế sau bỏ nghề. Họ vẫn kéo nhau ra khơi chỉ vì hai chữ “mưu sinh”.

“Nghề lặn ngọc trai, bào ngư, cá… dưới đáy biển vốn rất nguy hiểm. Tuy vậy, hơn 20 năm nay ở huyện đảo Cô Tô dường như cái nghề lặn vẫn đang thịnh hơn cả”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Chung một thợ lặn biển có “số má” ở Cô Tô.

Anh Cao Văn Tài, một thợ lặn ở xã đảo Thanh Lân (một đảo nhỏ thuộc huyện đảo Cô Tô) là nhân chứng sống kể cho chúng tôi nghe về nghề lặn biển đánh bắt hải sản này. Là nghề có thu nhập cao nên anh Tài cùng với một số anh em khác bỏ nghề đánh bắt tôm cá để đi lặn thuê cho tàu Trung Quốc. Thời điểm những năm 1990, mỗi ngày một thợ lặn ở đây cũng kiếm được độ 300.000 đến 600.000 đồng. Còn bây giờ, mỗi ngày đi lặn cũng kiếm được từ 800.000 đến 1 triệu đồng, nhưng không phải hôm nào cũng đi lặn được. Vì thu nhập cao nên thợ lặn rất “ham”.  “Biết là tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi vẫn làm vì miếng cơm manh áo” - anh Tài chia sẻ.

Theo các thợ lặn ở đảo Cô Tô, để làm được thợ lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai thì người đó nhất thiết phải lặn giỏi, có sức khỏe. Trước khi xuống nước, thợ lặn sẽ được mặc áo quần lặn, đeo vào người một chuỗi dây chì có trọng lượng chừng 10 đến 15kg để giúp cho việc lặn xuống độ sâu được dễ dàng hơn. Bởi nước biển vốn có nồng độ mặn cao nên áp suất rất lớn, càng lặn xuống sâu thì áp suất lớn hơn. Thợ lặn được đeo kính và ngậm vòi hơi. Vòi hơi được nối với máy nạp hơi đặt ở trên tàu, hơi được nạp liên tục vào ống hơi. Người thợ lặn sau khi xuống biển sẽ ngậm chiếc vòi hơi vào miệng nhằm duy trì thở.  

Cái nghề lặn biển ở đảo Cô Tô này được ví như nghề “đánh cược” với biển. Môi trường lao động khắc nghiệt đã khiến không ít thợ lặn phải gánh hậu quả di chứng về sau, mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, phải bỏ nghề vĩnh viễn.

Hoàng Thanh - Anh Phạm