Nghề của niềm tự hào
Xưởng may cờ của gia đình bà Trần Thị Hoạt.
“Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng từ làng Từ Vân bay phấp phới trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ công sở đến nhà máy, từ dải biên cương đến hải đảo... chúng tôi tự hào lắm! Đây là động lực để chúng tôi quyết tâm giữ và phát huy nghề thiêng liêng này…” - đó là chia sẻ của anh Đặng Hồng Hưởng, sinh năm 1968, chủ cơ sở may cờ làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội, một làng nổi tiếng với nghề may, thêu cờ, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa về Quốc kỳ Việt Nam.
Tại cơ sở may cờ của vợ chồng anh Hưởng, chị Nhung, từ ngoài sân, trên hè, trong nhà đến tầng 1, tầng 2 rồi nhà kho… đều la liệt vải đỏ, vải vàng đã cắt theo mẫu may cờ và những bọc hàng được đóng nằm ngổn ngang để kịp giao cho khách. Gần chục người đang tất bật ở từng công đoạn, người pha vải, cắt vải; người bóc dán những ngôi sao, người đóng hàng gửi đi... Anh Hưởng cho biết: “Nhiều hôm, chúng tôi phải động viên mọi người làm việc thêm giờ để kịp làm đủ số lượng cờ khách đặt”.
Vợ chồng anh Hưởng, chị Nhung là đời thứ ba trong gia đình nối nghề may cờ. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nhung cho biết: “Để có được những lá cờ đẹp, không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, mà còn phải cần cả cái tâm trong mỗi đường kim, mũi chỉ… Cờ đỏ sao vàng là linh hồn của dân tộc mà”.
Rời nhà chị Nhung, anh Hưởng, chúng tôi đến với gia đình bà Trần Thị Hoạt - chủ cơ sở may cờ Trung Anh, ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Gia đình bà Hoạt đã 40 năm gắn bó với nghề may, cả ba khu nhà của gia đình bà đều phục vụ sản xuất cờ. Là người nối nghiệp gia đình, con trai bà Hoạt là anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Sau khi làm phôi, xưởng giao cho bà con các xã lân cận vào sao, may viền... mình thu về để hoàn thiện, rồi giao cho khách trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi rất quý trọng công việc mà bố mẹ tôi đã gắn bó suốt 40 năm qua”.
Hàng chục năm theo và giữ nghề nhưng chưa bao giờ vợ chồng chị Nhung hay bà Hoạt nghĩ đến việc sẽ làm giàu từ nghề này. Bà Hoạt tâm sự: “Với gia đình tôi, nghề may cờ Tổ quốc không giàu được, nhưng chúng tôi yêu thích, tự hào vì được góp một phần nhỏ bé của mình để giữ “hồn kỳ” Tổ quốc”.
Dù xác định sẽ quyết tâm lưu giữ nghề truyền thống nhưng anh Hưởng hay anh Trung đều có những trăn trở với nghề. Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng Từ Vân, đồng chí Mai Văn Công - Phó chủ tịch Hội CCB xã Lê Lợi chia sẻ: “Trước đây, đến hơn 90% người dân tham gia may, thêu cờ Tổ quốc. Trong làng, nhà nào cũng có vài ba cái khung thêu. Bản thân tôi cũng học làm nghề này từ khi 8 tuổi. Nhưng nay chỉ còn vài hộ giữ và làm nghề này. Số ít nhà coi đây là nghề lúc nông nhàn, hoặc chỉ tăng gia vào những thời gian cao điểm”.
Là gia đình cũng có xưởng may cờ, tuổi thơ gắn bó với vải, với máy may, với những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ nhưng hiện nay, xưởng may của CCB Tạ Văn Bằng (ở xã Lê Lợi) cũng không còn “khí thế” như trước. Mặc dù xưởng may đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để may cờ, tuy nhiên xưởng của gia đình CCB Bằng cũng không làm tất cả các khâu để hoàn thiện một lá cờ trọn vẹn mà một số công đoạn như may, thêu sao; may viền… xưởng giao cho lao động các xã lân cận nhận về nhà làm. Bởi theo ông, nhiều người dân trong xã hiện nay không “mặn mà” với việc này. Một phần bởi thu nhập từ nghề chưa được cải thiện, trong khi nhiều khu công nghiệp mọc lên thu hút lao động trẻ, những người trung tuổi thì bỏ nghề, đi buôn bán...
Hiện nay, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề may, thêu cờ Tổ quốc, các xưởng sản xuất trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh, chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài may, thêu cờ, các xưởng cũng nhận làm thêm băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm, cờ phật giáo… để bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Trong không khí vui tươi của những ngày lễ Tết, hàng nghìn hàng vạn lá cờ theo người dân từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng ngập tràn sắc đỏ - đó là niềm tự hào của người may cờ. Vẻ đẹp ấy xuất phát từ tình yêu thiêng liêng của những người thợ ngày đêm miệt mài gửi gắm vào mỗi lá cờ.
Minh Lê