Nghề báo công việc nguy hiểm nhất

Có một thực tế là phía sau những bài báo, dòng tin, thước phim, bức ảnh mà độc giả cầm trên tay, đều thấm đẫm cả máu, mồ hôi và nước mắt của các nhà báo. Mặc dù con số nhà báo bị hi sinh ngoài trận mạc; hay bị hành hung, đe doạ, trả thù hoặc bị hành quyết, giết hại đang tăng lên, nhưng ở đâu có chiến sự, có tham nhũng, tiêu cực hay tội phạm thì ở đó vẫn có mặt sớm nhất các nhà báo. Chính vì thế mà Tổ chức CareerCast của Mỹ đã xếp nghề báo nằm trong số 25 công việc nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng cũng chính làm việc trong môi trường, công việc nguy hiểm nhất ấy, gian khổ, khó khăn nhất ấy đã thử thách, tôi luyện nhà báo trở thành những con người vừa có bản lĩnh vừa có năng lực tác nghiệm giỏi. Điển hình như đội ngũ phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Theo số liệu của Hội Nhà báo Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước ta có hơn 400 nhà báo ngã xuống ở khắp các chiến trường, thì TTXVN có tới gần 300 nhà báo. Họ hi sinh và trở thành những tấm gương cho chúng tôi soi vào để phấn đấu rèn luyện. Ngoài ra còn khá nhiều thương, bệnh binh mà suốt đời những nhà báo ấy phải mang trên mình vết sẹo hay thiếu đi một cánh tay, bàn chân, con mắt... mà nhà báo Đinh Trọng Quyền là một trong những người như thế. Ông nguyên là Phó Ban biên tập Ban tin trong nước TTXVN, người đã bị thương trong thời gian làm phóng viên ở chiến trường miền Nam. “Tàn nhưng không phế”, ông vẫn là một chiến sỹ kiên cường trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Đồng thời ông là người thày, người đồng chí thân thiết, mẫu mực của chúng tôi; là người chồng, người bố mẫu mực trong gia đình bé nhỏ của ông.
Đã 46 năm nay nhà báo Đinh Trọng Quyền chỉ còn một chân, bởi cái chân bên phải ông gửi ở chiến trường Quảng Đà từ năm 1969 rồi. Ông nhớ mãi cái ngày 1-10 năm ấy, một quả pháo của địch bắn xuống đúng lúc ông vừa bước lên khỏi hầm.
Ông Đinh Trọng Quyền nhìn tôi nở nụ cười rất tươi và kể: Ngày ấy, Phân xã TTXVN tại Quảng Đà (gồm 5 phóng viên, 1 điện báo) được lệnh di chuyển toàn bộ (kể cả điện đài và buồng tối làm ảnh) ra Bộ chỉ huy tiền phương. Chúng tôi hướng về phía núi Hòn Tàu (hình thù giống như con tàu lao ra biển) hành quân tới nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Quảng Đà, nhưng khi đến thì không còn ai. Bởi vì nơi đây đã bị lộ, Ban Tuyên huấn nhận được lệnh phải di chuyển gấp để tránh pháo địch huỷ diệt. Thế là chúng tôi hứng trọn hàng loạt pháo, tưởng như Phân xã bị xoá sổ, nhưng rất may chỉ có anh Luân người Đà Nẵng bị thương nhẹ ở ngực, bụng và tôi mảnh pháo cưa bàn chân chỉ còn dính một tý gân. Tuy bất ngờ, nhưng tôi vẫn bình tĩnh rút dao cắt cái gân ấy để bàn chân rời ra cho đỡ vướng rồi lấy vải dù thắt mỏm cụt để cầm máu. Pháo địch vẫn liên tiếp dội vào khu vực này để dọn đường cho một trận càn nhằm tiêu diệt gọn cơ quan tỉnh uỷ. Tôi phải nhẩy và bò bằng một chân qua bãi cây đổ ngổn ngang cùng anh em phân xã mang điện đài, máy móc đến một đơn vị quân đội gần đó. Vửa tới nơi thì tôi bị ngất, vì mất quá nhiều máu và được bộ đội quân y kịp thời sơ cứu rồi đưa tôi tới bệnh xá 76. Vì ga-rô không tốt, chân tôi bị hoại tử phải cưa sát đầu gối, nhưng dù sao vẫn còn một đoạn để lắp chân giả, không phải tháo khớp.
Sau đó, địch càn vào bệnh xá, mọi người phải di chuyển, chỉ còn một số bệnh nhân bất động như tôi được giấu trong hang đá. Khi quân địch tới miệng hang, tôi rất hồi hộp, nhưng thật may, chúng không biết có “Việt Cộng” ở trong đó. Thế là chúng tôi thoát chết… Đến tối, các y tá trở về hang đưa cho mỗi người một nắm cơm với ít mắm, muối và chăm sóc vết thương cho tôi. Thật là kỳ diệu, mặc dù vết thương của tôi bị nước mưa thấm qua khe đá rỏ vào, nhưng vẫn không bị nhiễm trùng mà cứ lành dần. Quả là sức trẻ đã giúp tôi vượt qua cái chết để trở về với sự sống. Mấy ngày sau, anh em trong phân xã đến bệnh xá không phải để thăm tôi mà lại mang theo bó hương, vì ai cũng đinh ninh rằng tôi đã chết… Nói tới đây, ông lại nhìn tôi cười-nụ cười hiền lành, chất phác, đầy trách nhiệm mà tôi thường thấy ở ông những năm làm việc cùng cơ quan. Trong đời làm báo của mình ông Đinh Trọng Quyền đã vinh dự được Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) tặng thưởng Huy chương danh dự (Medaille d’Honneur) vì sự nghiệp thông tin và đoàn kết quốc tế.
Tôi nhớ lại mấy năm trước đây, cơ sở vật chật của TTXVN còn thiếu thốn; cán bộ, phóng viên phải ở trong dãy nhà cấp 4 khu tập thể. Ông Đinh Trọng Quyền được ở căn hộ phía trong giáp với nhà vệ sinh công cộng để tiện cho sinh hoạt, còn tôi ở cách ông một phòng. Cứ mỗi trận mưa xuống, nước dâng lên đến sát giát giường, chúng tôi phải đóng cửa lại, không phải để ngăn nước mà là ngăn rác rưởi và các chất thải từ nhà vệ sinh công cộng trôi vào nhà. Cứ sau mỗi trận mưa như thế, tôi lại thấy chị Nhung (vợ ông) xắn quần lội nước cõng chồng ra tận cổng khu tập thể để ông đi vào cơ quan làm việc.
Mặc dù một chân lành và một chân giả, nhưng ông đi xe đạp tài lắm, đến cơ quan chưa bao giờ muộn giờ và đương nhiên không hề bị va quệt gì. Sau này có điều kiện ông sắm cả xe máy. Ai cũng lo cho ông với “chân cẳng như thế”, đường sá ở Hà Nội lại đông đúc… rất dễ tai nạn. Nhưng bao nhiêu năm nay tôi vẫn thấy ông chẳng làm sao mà ngược lại, những người “lo cho ông” thì đã có mấy trường hợp xẩy ra tai nạn giao thông phải vào viện rồi.
Nay về nghỉ hưu đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” mà hằng ngày ông vẫn đều đặn, hết đưa đón cháu nội lại đến cháu ngoại đi học bằng xe máy. Ngoài ra ông còn tham gia cấp uỷ, làm Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi ở khu dân cư. Từ việc nhà đến công tác xã hội ông đều tận tâm, tận lực, nhiệt tình, hăng hái và đầy trách nhiệm như hồi còn là phóng viên chiến trường và những năm đương chức ở cơ quan TTXVN.
Là người con của Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi sản sinh ra nhiều “nhân kiệt”, ông đã góp một phần nhỏ của mình làm rạng rỡ quê hương! Góp một phần của mình để khắc họa lên phẩm chất của Nhà báo nói chung, của người làm báo dưới ánh sáng “tư tưởng Hồ Chí Minh” soi đường nói riêng.
NGUYỄN HỒNG CHANH