Nghệ An gian khó chẳng lùi (07/06/2012)

Theo những con số đau thương, năm 1999, tại trường PTCS xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn nổ một quả bom bi làm chết 6 học sinh. Năm 2002, nổ một đầu đạn tại đại lý thu mua phế liệu xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc khiến một người thiệt mạng. Năm 2005, tại công trình xây dựng nhà máy tinh bột sắn huyện Yên Thành, nổ một quả bom, gây thiệt hại lớn về vật chất. Ngày 24-7-2007, bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn nổ một đầu đạn làm chết anh Lò Văn Thương và 3 người con trai là Lò Văn Phương, Lò Văn Phon và Lò Văn Phong. Rồi ở phường Lê Mao, TP Vinh, nổ bom bi làm một học sinh bị chết…

Thượng tá Nguyễn Văn Ninh, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh giở tấm bản đồ hành chính giải thích cho chúng tôi: Nghệ An có 100% số xã, với 785 khu vực, ước khoảng 279.742 ha (chiếm 18% diện tích toàn tỉnh) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Điển hình là các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, nhân dân thường gọi là “túi bom” như Truông Bồn, phà Bến Thủy, Rú Quyết, Cầu Cấm… nhiều nơi bị bom đạn cày đi xới lại, biến đổi đồi gò thành ao trũng và ngược lại. Từ năm 1975 đến nay, đã có 1.237 người chết và 1.147 người bị thương do bom mìn gây ra, có gia đình chết nhiều người một lúc, thương tâm lắm. Bom mìn, vật nổ sau chiến tranh hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người. Những người đã qua chiến tranh thì lo lắng cho con cháu, chưa hiểu hết nguy hiểm mà phòng tránh; đất đai bị bỏ hoang hoặc có làm thì cũng chẳng dám mạnh tay cày cuốc; trâu bò dẫm phải bom đạn cũng không toàn mạng; nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở, san lấp mặt bằng gặp bom mìn phải đình trệ…

Nhưng người Nghệ An có truyền thống vượt khó đi lên; trước kia không sợ hi sinh để đánh thắng kẻ thù thì nay không nhẽ lại sợ bom mìn mà khoanh tay chịu đói nghèo sao được. Tỉnh lấy Bộ CHQS làm nòng cốt cho các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân khắc phục ô nhiễm bom, mìn; kết hợp tuyên truyền, phòng tránh với tổ chức rà phá, giải phóng đất đai. Những năm gần đây Bộ CHQS làm chủ đầu tư, ký kết với Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (BTL Công binh) và Chương trình 504 lập Đề án "Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, giai đoạn 2010 -2015". Quy mô diện tích được xác định tại 16/20 huyện, thành phố là 30.000 ha. Trong đó rà phá bom, mìn đến độ sâu 0,3m là 7.500 ha, rà phá bom, mìn đến độ sâu 3m là 22.500 ha; hoạt động rà phá bom, mìn, vật nổ do lực lượng công binh chuyên trách của Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh và Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn phối hợp thực hiện. Dự án được triển khai rất kỹ, bao gồm 4 bước, là khảo sát kỹ thuật; tập huấn cho các nhân viên; thực thi công tác rà phá bom, mìn, vật nổ; giám sát, kiểm tra chất lượng và hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu, bàn giao và báo cáo. Vì vậy, diện tích đất được rà phá đảm bảo làm sạch ô nhiễm, tạo điều kiện an toàn cho nhân dân sinh sống và sản xuất.

Anh Ninh còn cho biết thêm: Năm 2011, đã tổ chức nhiều vụ phá bom ở bản Khe Chi (xã Thạch Giám, Tương Dương), bản Cù (xã Chiêu Lưu) và bản Khánh Thành (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn). Đặc biệt sau trận mưa lũ tháng 6-2011, huyện Kỳ Sơn đã trồi lên 4 quả bom lớn ở trường tiểu học thị trấn Mường Xén, bản Cù, xã Chiêu Lưu; bản Cầu Tám, xã Tà Cạ và bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn. Lực lượng công binh dùng phương pháp hủy nổ theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Rà phá bom, mìn, vật nổ không phải là công việc đơn giản, trong một sớm một chiều. Đó thực sự là thử thách, là trách nhiệm của thế hệ đi trước đối với người đi sau.

Trao đổi về sự phát triển của tỉnh, Đại tá Bùi Hoài Thanh, Chính ủy Bộ CHQS cho biết: Khắc phục ô nhiễm bom mìn tới đâu, tỉnh đưa vào quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội tới đó. Nay Nghệ An xây dựng được 3 khu công nghiệp tập trung, ở Bắc Vinh, Hoàng Mai I và Đông Hồi với tổng diện tích hơn 960 ha. Trong các khu công nghiệp này, hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, riêng tại Bắc Vinh đã được lấp đầy diện tích. Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch xây dựng thêm 6 khu công nghiệp khác với tổng diện tích gần 2.000 ha, đó là Hoàng Mai 2, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Sông Dinh, Phủ Quỳ và Tri Lễ, đây là cơ sở và là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh.

Về xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Dựa vào sức dân để lo cho dân”, năm 2011 toàn tỉnh có 349/435 xã được phê duyệt quy hoạch với nhu cầu vốn khoảng 1.250 tỷ đồng, dự tính đến trước ngày 30-6-2012 sẽ có 100% số xã trong tỉnh hoàn thành việc quy hoạch nông thôn mới. Theo lộ trình, mỗi huyện chọn 3 xã làm điểm về giáo dục, y tế, phát triển sản xuất. Sở NNPTNT chọn 60 xã điểm với cơ chế, tỉnh hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông, chợ, công trình thủy lợi… phấn đấu đến hết năm 2015 Nghệ An có 20% số xã (87 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm