Ngày toàn thắng
Cơn lốc chiến thắng cuốn chúng tôi đi, đến Bình Tuy, Long Khánh, đơn vị rẽ trái, thế là biết mình không được xốc tới Sài Gòn.
Sau giải phóng Phước Lễ, cảm giác tiến về hướng Đông không dễ dàng gì: địch dùng xe tải đất lập phòng tuyến, rải mìn chống tăng khắp nơi. Quân ta vẫn tiến nhanh, khẩn trương nhưng thận trọng theo lộ tiêu mà công binh nhanh chóng rà mìn.
Bà Rịa - quê hương người con gái Đất đỏ Anh hùng đây rồi. Chỉ hai ngày, ta với vũ khí nhẹ mà địch không chịu nổi, chúng chạy tán loạn: Kẻ đầu hàng, kẻ chạy hướng cầu Cỏ May. Chúng tôi làm chủ thị xã Bà Rịa hầu như còn nguyên vẹn, nhưng đến cầu Cỏ May mới thật sự gay go: Địch chống trả quyết liệt bởi đây là đường tháo chạy duy nhất xuống Vũng Tàu. Trước sức tấn công vũ bão của ta, địch không thể trụ lại, chúng đánh sập cầu. Lúc này là 15 giờ ngày 29-4. Lạ kỳ, cầu sập, địch tháo chạy thì thuyền của dân chài xuất hiện. Những chiếc thuyền tam bản mỏng mảnh, thoăn thoắt như những con thoi chở bộ đội qua sông. Thế mới biết lòng dân, dù ở trong lòng địch, họ vẫn hướng về giúp đỡ cách mạng. Chập choạng tối hôm đó, chúng tôi tiến vào Vũng Tàu. Đêm đó chúng tôi không buồn ngủ vì cảm nhận thời khắc huy hoàng của lịch sử sắp đến. Sáng sớm, ngày 30-4, chỉ huy Sư đoàn có mặt ở phường Rạch Dừa trong khi các chiến sĩ thọc sâu vào trung tâm. Tiếng súng nhỏ thưa thớt. Địch chống trả yếu ớt: Xe tăng xuất kích, địch khiếp hoảng, nháo nhác, mạnh tên nào tên nấy chạy. 11 giờ 30 phút ngày 30-4, qua ra-đi-ô, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 12 giờ 30 phút Vũng Tàu im bặt tiếng súng, ta hoàn toàn làm chủ Vũng Tàu từ căn cứ Lam Sơn đến Tiền Cảng và Bãi Trước, Bãi Sau...
Trước cổng trường Thiếu sinh quân (của chế độ cũ) là nơi đặt đại bản doanh quân quản, rất đông binh lính Sài Gòn đủ sắc phục, nhiều nhất là lính hải quân, họ đứng ngồi la liệt trong công viên chờ trình diện cách mạng. Họ gần như tiêu tan hết sợ hãi vì không thấy cảnh “tắm máu” như quan thầy vẫn hù dọa. Họ muốn gần các chiến sĩ ta để bắt chuyện và thăm dò thái độ, chính sách của ta đối với người đã cộng tác với địch. Có những người lính còn khẩn khoản xin hoặc đổi đồng hồ lấy đồng tiền Cụ Hồ làm kỷ niệm. Thấy chiến sĩ ta tươi cười trò chuyện, giải thích, họ vui mừng ra mặt. Đâu đó trong đám lính có tiếng nói vọng ra: “Hiền khô”, ý nói các chiến sĩ ta lành quá! Một gia đình ngay bên đường phố, reo lên sung sướng vì chồng con họ còn sống. Có anh thiếu tá hải quân ngụy hớt hải chen đám đông xin trình diện với giọng thiểu não, sắp đứt hơi:
- Thưa ông Giải phóng, con đói quá, từ sáng tới giờ chưa có gì vào ruột!.
- Nhà anh gần đây?
- Dạ gần!.
Tôi hỏi và anh ta trả lời. Tôi khoát tay - Khỏi lo, về ăn cơm rồi ra trình diện.
Vui sướng lộ trên nét mặt, anh ta rối rít: - Cảm ơn, cảm ơn, đội ơn Giải phóng
Anh lính này chậm chân chạy ra tàu không kịp, quay lại trình diện nên sợ mất mật.
Cũng từ 12 giờ 30 phút ngày 30-4, cờ Giải phóng mọc trên nóc các tòa nhà cao tầng, trước cổng tư gia từ Bãi Trước, Bãi Sau bên bờ biển lộng gió, các cửa hàng lại mở cửa. Đặc biệt nhất là các băng biểu ngữ nền đỏ chữ vàng căng ngang trên cao giữa đường phố bằng chữ Hoa và chữ Việt: - Quân giải phóng là ân nhân của nhân dân!
Thì ra, trước khi tháo chạy, tàn quân địch xông vào các cửa hàng của người Hoa để cướp bóc. Chỉ khi Quân giải phóng vào thì họ mới được bình an.
Non nửa thế kỷ rời quân ngũ, nay tóc đã bạc trắng, hình ảnh những ngày chiến đấu gian khổ, khốc liệt, nhưng vô cùng mưu trí và anh dũng của: Quân đội ta Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn còn nồng ấm trái tim, nó hiện ra như vừa mới hôm qua, những nụ cười và những giọt nước mắt sung sướng ấy còn đọng mãi trong lòng tôi, đồng đội tôi và đồng bào tôi từ Bắc chí Nam.
Nguyễn Hoài Vũ (CCB Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng)