Ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước
Cách đây 68 năm, vào ngày 27-7-1947, “Ngày thương binh toàn quốc” (về sau đổi thành “Ngày thương binh-liệt sĩ”) chính thức ra đời. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Trong thư Người viết: “Thương binh là những người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy”.
Kể từ khi ngày 27-7 chính thức được chọn làm “Ngày thương binh-liệt sĩ” đến nay, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và cũng là tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ với tất cả sự biết ơn sâu sắc và chân thành bằng nhiều hình thức phong phú như thăm, tặng quà nhân ngày lễ, tết, 27-7; xây nhà tình nghĩa, xây và chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, xây nhà bia, lập vườn cây tình nghĩa, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa, học bổng, chăm sóc y tế… Những việc làm ấy không chỉ được thực hiện trong ngày 27-7 mà đã trở thành hoạt động thường xuyên, luôn được các cấp, các ngành chú ý chu đáo. Trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày TBLS, cũng như hằng năm, Chủ tịch nước đã quyết định tặng quà cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ với kinh phí dự kiến tới 384 tỷ đồng. Các tỉnh đều có dự trù kế hoạch và kinh phí thăm hỏi, động viện các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Tỉnh Hưng Yên (tặng các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ mỗi suất quà trị giá 400 nghìn đồng, gồm quà tặng và 300 nghìn đồng tiền mặt); Sở LĐTBXH thăm, tặng quà 5 trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, quà tặng mỗi trung tâm là 3 triệu đồng (gồm quà bằng hiện vật và 2,5 triệu đồng tiền mặt); quà tặng các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là người Hưng Yên đang điều dưỡng tại các trung tâm, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng (gồm quà bằng hiện vật và 300 nghìn đồng tiền mặt). Tỉnh Phú Thọ dự trù kinh phí thăm, tặng quà 5 trung tâm điều dưỡng và thương bệnh binh đang điều trị tại trung tâm lên tới trên 100 triệu đồng (5 triệu đồng cho đơn vị và 600.000 đồng cho mỗi cá nhân)…
Có thể nói sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể cộng đồng là động lực vô cùng to lớn giúp cho khoảng 90% gia đình người có công đã có cuộc sống ổn định, bằng hoặc hơn mức sống trung bình tại địa phương, con em và gia đình người có công được học hành, nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, công tác.
Hằng năm, Ngày thương binh-liệt sĩ 27-7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Phải coi ngày 27-7 hằng năm là ngày lễ tri ân những người có công với nước, ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả trong suốt năm, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Mai Anh