NGÀY NÀY NĂM XƯA Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ (24/05/2013)
Ngày 8-3-1965, Lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng; hai tháng sau, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ lại kéo tới vùng Chu Lai, lập căn cứ quân sự thứ 2, hòng từ đây làm lá chắn cho phía nam Quảng Nam và Đà Nẵng, đồng thời khống chế các vùng giải phóng ở phía tây Tam Kỳ và Quảng Ngãi…
Sự có mặt của quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam nói chung, cũng như ở Khu 5 nói riêng, càng tăng thêm lòng căm thù và sự quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, song với đối tượng tác chiến mới, được trang bị hiện đại đến “tận răng” này, thì đánh như thế nào, là điều trăn trở không nhỏ đối với quân dân ta. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất họp tại Lò Gò - Tây Ninh (đầu tháng 5-1965), câu hỏi trên cũng được đưa ra trao đổi rất sôi nổi và cuối cùng tất cả đã thống nhất với lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương) hạ đạt trước đại hội: “Cứ đánh Mỹ, sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”. Từ tinh thần đó, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang trong quân khu, đặc biệt chỉ thị trực tiếp cho tỉnh đội Quảng Nam - nơi Mỹ đã lập hai căn cứ quân sự ở Đà Nẵng và Chu Lai: “Phải đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu. Mục tiêu do tỉnh chọn; đơn vị đánh do tỉnh lựa; đánh theo trình độ, trang bị và khả năng của tỉnh”…
Chỉ thị vừa truyền đi thì thời cơ đến, ấy là ngày 17-5-1965, một đại đội Mỹ càn lên phía tây căn cứ Chu Lai nhằm nới rộng vành đai bảo vệ nơi này. Chúng vừa tới cầu Xuôn thì bị du kích xã Kỳ Sanh chặn đánh, vội vã vọt lên chiếm Núi Thành - một trong những điểm cao khống chế phía tây căn cứ Chu Lai, thuộc xã Kỳ Liên, huyện Tam Kỳ, nay là thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đây là cụm đồi đá trọc, nằm bên quốc lộ 1A, dài khoảng 1.200 m, rộng 600 m, chia làm 2 mỏm nối liền nhau - mỏm 49 và 50, giữa là yên ngựa dài 200 m- cách khu căn cứ quân sự Chu Lai chỉ chừng 2 km. Bọn Mỹ vừa tràn lên hai mỏm, chưa kịp xây dựng trận địa kiên cố, công sự dã chiến sơ sài, xung quanh mới có mấy lớp rào bùng nhùng chưa được giằng vào cọc sắt. Cơ hội diệt Mỹ là đây, ngày 24-5, trong buổi lễ xuất quân của đại hội 2, tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương và một tổ đặc công, đồng chí Hoàng Minh Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên tỉnh đội đã trao lá cờ mang dòng chữ “Quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược” cho đại đội 2 và giao nhiệm vụ phải cắm được lá cờ lên đỉnh Núi Thành.
0h30' ngày 26-5-1965, trận đánh bắt đầu. Sau khi cắt xong lớp rào kẽm gai ở mỏm đồi 49, Trần Ngọc Ảnh - mũi trưởng mũi chủ yếu lao lên ném thủ pháo vào một công sự Mỹ phát lệnh tiến công. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Võ Thành Năm, từng tổ ba người phát triển theo đội hình chữ A, đánh chiếm các mục tiêu từ vòng ngoài đến vòng trong. Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ ở mỏm 49 chống cự yếu ớt, song ở hướng đánh lên mỏm 50, dốc cao hơn, quân ta lên chậm, địch kịp thời chống trả, các chiến sĩ phải dùng lê “giáp lá cà” với chúng. Lập tức, đại đội trưởng Năm lệnh cho 1 tổ ở hướng chủ yếu ào sang chi viện… Và 30 phút sau, đại đội 2 đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn đại đội lính thủy Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 140 tên, cắm lá cờ của Đảng bộ Quảng Nam trao lên đỉnh Núi Thành.
Trận Núi Thành quy mô không lớn, nhưng đây là trận mở đầu thắng lợi khi lực lượng Mỹ đã vào miền Nam tới 82.000 tên, là trận đánh biểu thị ý chí quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng độ lịch sử với tên trùm đế quốc xâm lược, là trận phát động tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ trong quân dân cả nước. Với chiến thắng mở đầu vẻ vang này, đại đội 2 đã được Bộ chỉ huy tặng cờ “Núi Thành oanh liệt, quyết chiến lập công” và Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam thì được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
NGUYỄN PHÚC ẤM