“Ngày hội lục bát” Giáp Ngọ 2014: Nồng ấm biển đảo quê hương
Tiếp nối truyền thống “Ngày hội lục bát” 5 năm qua, vừa qua, tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (TP Hà Nội) đã diễn ra Ngày hội lục bát Giáp Ngọ 2014 với chủ đề “Đất nước và biển đảo quê hương”.
Hàng trăm tiết mục thơ ca tiêu biểu trên nền thơ lục bát đã được các cá nhân, các Câu lạc bộ lục bát đem đến trình diễn, 12 giải Lục bát trăng vàng, Lục bát trăng bạc đã được trao cho các tác giả, tác phẩm tiêu biểu… Hai ngày diễn ra Ngày hội lục bát Giáp Ngọ 2014 thực sự nồng ấm nghĩa tình “Đất nước và biển đảo quê hương”.
Có mặt trong suốt thời gian diễn ra “Ngày hội lục bát” Giáp Ngọ 2014 này, chúng tôi được chứng kiến, được thưởng thức các tiết mục trình diễn và cảm nhân được tình yêu với thơ ca, qua đó là tình yêu sâu thẳm với mẹ cha, vợ chồng, với quê hương đất nước của hàng nghìn người yêu thơ, sáng tác thơ đến từ 20 tỉnh và thành phố trong cả nước từ Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình… đến với chương trình.
Dù là tỉnh gần, hay tỉnh xa đều hồ hởi đến với “Hội thơ lục bát Việt Nam/ Thi nhân Bình Phước băng ngàn vượt sông/ Yêu thơ chung sức chung lòng/ Nước non vời vợi những dòng thơ hay”. Không chỉ đến để gặp gỡ bạn thơ, để ngâm, để hát, mà họ mang đến những tập thơ tri kỷ của mình để đóng góp vào kho tàng thơ văn nước nhà và còn nhờ Ban tổ chức gửi đến những chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc thân yêu những tâm tình thiết tha của mình.
Trong lời khai mạc, Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, Trưởng ban tổ chức “Ngày hội lục bát” Giáp Ngọ 2014 chia sẻ: “Ngày hội được tổ chức không chỉ hướng đến việc giữ gìn, bảo tồn thơ lục bát mà còn mong muốn góp phần vận động tôn vinh lục bát là Quốc thi và tiến tới lục bát là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Trong thời điểm này, “Ngày hội lục bát” Giáp Ngọ 2014 hướng đến chủ đề đất nước và biển đảo quê hương sẽ càng tôn thêm nhiều giá trị và ý nghĩa”.
Với những nghi lễ và nghi thức của Lễ hội lục bát thật sinh động và đa dạng, như lễ dâng hương, lễ rước thơ lục bát, lễ đọc chúc văn cầu cho Quốc thái dân an, lễ phát lộc thơ “Lộc phát”… Lễ kéo dài sang cả chiều, tối, sáng hôm sau. Tôi được đắm mình trong tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn, hòa trong tiếng ngâm thơ, tiếng hát chầu văn, hát chèo của các nghệ sĩ dân gian trong không gian xưa với những cô gái yếm thắm má đào cùng những chàng trai áo the khăn xếp, mộc mạc và chân tình.
Hàng trăm “cụ diễn viên” yêu thơ lục bát say sưa hết mình trong suốt 42 tiết mục với “Nỗi nhớ đảo xa”, “Tình yêu lính đảo”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Đất Từ Liêm”, “Dòng sông Mẹ”, “Thoi tơ”, “Thương mẹ”, “Con gái đồng chiêm”, “Biển đảo của ta”, “Tâm sự với dòng sông”… Tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước quyện chặt lấy nhau trong từng tiết mục, trong từng câu chữ.
Sôi động nhất là khi nghệ sĩ Văn Tân - kỷ lục gia đã 1.000 lần đóng vai Bác Hồ từ Bắc Giang về với ngày hội, ai cũng muốn lắng nghe và chụp ảnh chung với nghệ sĩ khi ông lên sân khấu cùng nhau nhắc nhở, ghi nhớ Lời dạy của Bác về bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đến tiết mục của mẹ Phả, 82 tuổi, tóc bạc như cước, xúng xính trong bộ áo diễn đại lễ xanh đỏ dẫn đầu đoàn gần hai chục diễn viên thôn Miêu Nha (Từ Liêm) lên hát chầu văn; bác Mai Văn Tuấn, 67 tuổi ở CLB Bằng lăng đỏ, lên thổi sáo trong bộ quần áo chiến sĩ Hải quân Trường Sa và hàng trăm diễn viên khác trông ai cũng như trẻ ra đến hàng chục tuổi. Sáng tác thơ lục bát quanh năm, diễn thơ lục bát trong hội thơ này thì thời gian có hạn, vậy nên ai cũng như muốn thể hiện hết mình, đam mê thơ ca hết mình.
Hai ngày của Hội thơ lục bát lần thứ 6 này chẳng mấy lại trôi nhanh, người yêu thơ lại bịn rịn chia tay hẹn đến ngày hội năm sau.
Không gian Thiên Đường Bảo Sơn và Hà Nội rực rỡ nắng vàng. Ấy là lúc ước hẹn với nhau thêm những bài thơ lục bát mới để mùa thu năm sau, “đến hẹn lại lên”, đúng dịp Quốc khánh lần thứ 70, chúng ta lại cùng gặp nhau, đọc cho nhau nghe, để tôn vinh hơn lục bát Việt Nam, con người Việt Nam, giữ lại lục bát và tình yêu quê hương đất nước cho muôn đời con cháu cùng non nước này.
Bài và ảnh:
Lê Doãn Chiêu