Ngày ấy, Đại tướng đã đến tận chiến hào của chúng tôi (01/11/2013)

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23-10-1945, quân dân Khánh Hòa đã đồng loạt nổ súng tấn công các vị trí của địch và lập phòng tuyến vây hãm chúng suốt 101 ngày đêm để bảo vệ con đường chi viện từ Bắc vào Nam Bộ và chặn đứng âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh" nhằm mở rộng chiến tranh xâm lược ra khắp Trung Bộ của thực dân Pháp. Trong những ngày đêm chiến đấu ác liệt ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tới nghiên cứu chiến trường, thăm hỏi chiến sĩ ở mặt trận nóng bỏng này…

Năm giờ chiều ngày 27-01-1946, sau những ngày chiến đấu căng thẳng, ác liệt và anh dũng đánh trả những đợt tấn công của quân Pháp và Nhật vào khu vực Cây Đa - Quán Giếng, chúng tôi đang củng cố công sự, phân công canh gác và chờ đón bữa ăn tối do các mẹ, các chị đem tới, thì tổ trinh sát của bộ chỉ huy tới thông báo là có phái đoàn Chính phủ đến kiểm tra mặt trận, tất cả chiến sĩ phải về đúng vị trí chiến đấu của mình. Rồi phái đoàn xuất hiện. Đi trong đoàn, ngoài các cán bộ chỉ huy ở mặt trận mà chúng tôi quen biết, còn có 4, 5 người lạ, trong đó có 1 người mặc âu phục, tuổi khoảng trên 30, da trắng, miệng tươi, người tầm thước, đẹp trai, trước ngực mang ống nhòm, thỉnh thoảng đưa lên nhìn sang phòng tuyến dịch. Người ấy đi theo giao thông hào hỏi chuyện từng chiến sĩ ở những điểm hỏa lực súng máy, lại đi vào hầm quan sát xạ giới, chỉ dẫn cho anh em các vật chuẩn bên phía địch. Đặc biệt, đồng chí hỏi nhiều về việc ăn uống, sinh hoạt, cách đánh, cũng như tình trạng vũ khí trang bị của từng người. Sau đó, trừ các chiến sĩ trên đài quan sát, anh em còn lại được tập hợp về một khoảng giao thông hào tương đối rộng để nghe nói chuyện. Tới lúc đó chỉ huy đơn vị tôi mới giới thiệu người đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, được Hồ Chủ tịch, Trung ương và Chính phủ cử vào nghiên cứu chiến trường. Chúng tôi lắng nghe và vô cùng cảm động khi Bộ trưởng nói: "Bác Hồ đã dặn tôi phải nhớ chuyển lời thăm hỏi của Người tới đồng bào và chiến sĩ, đến các cụ phụ lão, đến các cháu thanh thiếu niên nhi đồng miền Nam…". Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp chỉ đến phòng tuyến Cây Đa - Quán Giếng của chúng tôi khoảng 1 giờ, chúng tôi vẫn ghi nhớ mãi. Những ngày chiến đấu ác liệt sau đó, chúng tôi đều có cảm giác như đồng chí đang ở cùng chúng tôi trên trận địa, bên tai vẫn như văng vẳng lời Hồ Chủ tịch thăm hỏi động viên đồng bào, chiến sĩ mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Sau này, nghe kể lại, chúng tôi mới biết thêm là trước khi đến thị sát phòng tuyến này, Đại tướng cũng đã đến phòng tuyến phía Bắc Xóm Bóng - Tháp Bà - Đồng Đế.

Trong đợt đi nghiên cứu kiểm tra mặt trận đó, Đại tướng đã phán đoán đúng âm mưu của địch: "Pháp sẽ tăng viện, mở cuộc tấn công mới", và nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và Bộ chỉ huy mặt trận cần: "Điều chỉnh ngay sự bố trí và cách tác chiến để bảo toàn lực lượng và kháng chiến lâu dài…". Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời này, mà mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa chỉ giữ thêm một thời gian rồi chủ động rút khỏi các phòng tuyến, tránh được tổn thất khi địch tăng viện, tạo thành gọng kềm ba phía giải vây cho thị xã Nha Trang…

Giờ đây, lịch sử đã lùi xa gần 70 năm, nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nha Trang - Khánh Hòa ngày ấy, cũng như các thế hệ tiếp sau vẫn nhớ ơn, vẫn dành một tình cảm trân trọng, thân tình và tự hào đối với Đại tướng - người đã trực tiếp đến với họ trong những gian khổ hiểm nguy nhất, và cùng họ lập nên chiến công đầu "101 ngày đêm bao vây quân giặc"…

NGUYỄN PHÚC ẤM

Theo chuyện kể của

Đại tá Đỗ Anh Tịnh