Ngày ấy, anh chiến sĩ Điện Biên về làng

“… Hỡi là người ơi… (chứ)… thắng giặc Tây, anh về thăm xóm (ơ) nhỏ / Anh mang sợi dây tình để quấn lòng… (ơ) ai/ (chứ) đã trót thương nhau thì quấn sợi dây (ơ) dài/ (chứ) đừng làm dây tuột để lòng ai muộn… (ơ) sầu…”
Rời sân đình ra về, mấy o cũng ý nhị đi tách ra để cho o Mai đi cạnh Nam Phong. Trên chiến trường thì hét ra lửa, lúc kể chuyện chiến đấu cũng hào hứng, tếu táo chẳng kém ai, vậy mà đi cạnh o Mai lúc này, mồm miệng, tay chân anh bộ đội cứ như thừa thãi. Đến khi Hồng Mai rẽ vào ngõ nhà mình, Nam Phong mới mở lời:

  • O Mai à! Lúc nãy nghe o hát, thực sự tui thấy lòng mình chộn rộn lắm. Chứ o hát rứa là hát cho vui hay là o hát thật cái lòng o đó?
    Hồng Mai “ném” cho Nam Phong một cái nguýt rõ dài:
  • Anh chỉ giỏi đánh Tây thôi. Chả trách gần ba mươi rồi mà chưa vợ. Đáng đời!
    Nam Phong đứng như trời trồng một lúc rồi bỗng gọi với theo:
  • Ngày mai tui đến nhà o, thăm sức khỏe ông bà nhé.
    Đêm đó, Nam Phong trằn trọc không ngủ được. Cứ chợp mắt là hình ảnh o Mai với gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi như hoa và giọng ca ví dặm ngọt ngào cứ ùa về. Sáng dậy, Nam Phong hỏi mẹ:
  • Mẹ thấy cái o Mai ở đầu xóm ra răng?
  • Hắn là người xinh xắn, nết na, lại học giỏi có tiếng ở vùng ni. Con gái thôn quê mấy đứa học đến cấp ba như hắn. Con trai cả xã ni đứa mô cũng thích hắn, nhưng hắn chưa ưng ai cả. Nhà mô lấy được hắn về làm dâu khác chi mang được cục vàng mười về nhà. Nhưng mà hắn chưa đến mười tám, còn mi đã hai bảy rồi. Biết hắn có ưng mi không?
    Nam Phong cười tếu táo:
  • Chưa ra trận, mần răng mẹ biết thắng hay chưa?
    Bà mẹ cười vui:
  • Nếu anh đưa được con Mai về nhà này, mẹ sẽ vui mừng mà thọ thêm mấy tuổi nữa đấy.
    Nam Phong đến nhà o Mai. Bữa nay o mặc cái quần nái đen đã được xỏ sợi dây dù được tặng đêm qua làm dải rút và cái áo nâu cộc tay để lộ hai cánh tay trắng nõn nà. Sau vài câu thăm hỏi, Nam Phong vào đề luôn:
  • O Mai à! Thực tình suốt cả đêm qua tui cứ nghĩ về o. Tui được nghỉ phép có một tuần thôi. Nếu o ưng tui thì tui xin được đón o ra Hà Nội làm lễ cưới. Bằng không, o chê tui thì coi như tui chưa đến đây, tui chưa nói chi với o cả!
    O Mai lại “ném” cho Nam Phong một cái nguýt rõ dài:
  • Dù có nghỉ phép ngắn ngủi đến mấy thì anh cũng phải nói cha mẹ sắm cơi trầu, mâm rượu sang thưa chuyện với cha mẹ em đã chứ. Con gái người ta nuôi nấng bằng ngần này rồi, chẳng lẽ tự dưng bỏ đất mà theo anh ra Hà Nội được à?
    Nam Phong sướng run người. Cảm giác chả khác gì lúc vừa mới đánh chiếm xong cứ điểm cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ. Ngày hôm sau, đại diện họ nhà trai đã sắm sửa lễ vật sang nhà gái làm đám hỏi. Cái tin o Mai ưng anh bộ đội Điện Biên về làng khiến trai tráng làng trên xóm dưới tiếc ngẩn tò te. Nhưng ai cũng phải công nhận họ là một cặp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa.
    Trở lại đơn vị, Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà ôm chầm lấy Lê Nam Phong mà rằng: “Cậu giỏi lắm. Tớ sẽ làm chủ hôn cho đám cưới của cậu”. Đám cưới tổ chức tại Trung đoàn 88, đóng quân gần Cầu Chui, Gia Lâm. Cỗ cưới chỉ có tiệc ngọt và đều do đồng đội góp lại. Chú rể mặc quân phục. Cô dâu mặc quần nái đen, cái quần đẹp nhất của o Mai có sợi dây dù làm dải rút. Đám cưới đạm bạc, tiết kiệm nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Sống với người vợ trẻ được một thời gian ngắn, đến đầu năm 1956, Lê Nam Phong lên đường ra nước ngoài học quân sự. O Mai trở về quê. Cũng năm đó, o Mai sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Việt Hà…
    Bây giờ, Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2) đã 87 tuổi. Bà Võ Thị Hồng Mai cũng đã bước vào tuổi 78. Ông bà có 3 người con, 2 trai, 1 gái, đều đã thành đạt, có cả cháu nội, cháu ngoại. Hôm chúng tôi đến nhà riêng của ông bà ở phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh để lấy tư liệu viết bài này, nghe bà kể mới biết: Cuộc đời làm vợ ông là những chuỗi năm tháng đằng đẵng và vò võ nuôi con, chăm sóc cha mẹ chờ chồng. Quãng thời gian dài nhất là từ năm 1962 đến sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. 13 năm xa chồng biền biệt, bà nhiều lần đón nhận tin dữ, cứ tưởng chồng đã hy sinh, cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, vất vả trăm bề nhưng bà đều tần tảo vượt qua, làm chỗ dựa vững chắc cho chồng đi chiến trận. Và bây giờ bà vẫn chăm sóc, lo lắng cho ông như thuở nào.
    Bài và ảnh:
    Phan Tùng Sơn