Ngày 31-5, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng
Quang cảnh phiên họp.
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, hôm nay (31-5), Quốc hội thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng
* Hôm qua, thứ Năm, ngày 30-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng
Từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Tại phiên thảo luận đã có 13 đại biểu Quốc hội phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung trong Tờ trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.
Các ý kiến đại biểu cũng đánh giá cao việc lựa chọn hai chuyên đề giám sát năm 2025 là phù hợp, đều là những vấn đề rất quan trọng, những vấn đề nóng, cần phải được giám sát để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục giám sát việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát các chuyên đề của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua; giao Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn những nội dung cụ thể trong các chuyên đề giám sát tối cao, cũng như giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát cho phù hợp với thực tiễn của địa phương; theo dõi việc giải quyết, trả lời các kiến nghị trong báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội; bổ sung thảo luận báo cáo chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội.
Các đại biểu cũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tăng cường các phiên giải trình về cải cách thủ tục hành chính; bố trí để Quốc hội xem xét các báo cáo giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội định kỳ 6 tháng, 1 năm; tăng cường cung cấp cho đại biểu các báo cáo độc lập của các cơ quan Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bên cạnh đó, cần điều phối thời gian giám sát và tăng thêm chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ 9 giờ 50 phút đến 11 giờ 30 phút: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết kèm theo. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung về nội dung, tiến độ thời gian trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết cụ thể.
Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề cụ thể, tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay (gồm công tác xây dựng chương trình, điều chỉnh chương trình, rà soát pháp luật, tổng kết thực tiễn, tăng tính dự báo của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nâng cao chất lượng các dự án).
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt nhất định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ Quốc hội nói chung và các chương trình hằng năm được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung:
(1) Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước);
(2) Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022;
(3) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022;
(4) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Sau đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý; nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ hợp công nghiệp quốc phòng; động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; quy định chuyển tiếp…
Kết thúc thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chương trình làm việc cụ thể của Quốc hội hôm nay, thứ sáu, ngày 31-5:
Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; sau đó, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030;
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022
QĐND