Ngày 13/4, Việt Nam thêm 5 ca mới mắc dịch COVID-19; tuyệt đối không thể chủ quan, mất cảnh giác
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thôn Hạ Lôi, Xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội).
Tính đến 18 giờ ngày 13/4, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mới mắc COVID-19 nâng tổng số lên 265 trường hợp, trong đó có 160 người từ nước ngoài chiếm 60,4%; 105 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,6%. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 75.291, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 713 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 15.564 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 59.014 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 13/4 đã có 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Hiện còn 120 ca bệnh đang được điều trị tại 14 bệnh viện trên cả nước; trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 22 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 15 ca.
Không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chống dịch COVID-19 chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh “chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác”.
Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước có nhiều biện pháp cương quyết về cách ly xã hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp trong Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhân dân cơ bản đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mấy ngày qua, có sự lơi lỏng hơn, người ra nơi công cộng nhiều hơn so với những ngày trước đó. Một số cửa hàng, cửa hiệu thực hiện chưa nghiêm, vẫn mở cửa bán hàng mà đáng lẽ ra thuộc diện đóng cửa. Trong khi cả nước, đặc biệt là ngành y tế và các cơ quan liên quan tích cực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhưng tình hình lây nhiễm vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây.
Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên là bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nếu chúng ta lơi lỏng, dễ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công suốt mấy tháng qua. Thủ tướng nhắc lại những nguyên tắc như khóa chặt từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch nhanh ở bên trong. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép mở theo quyết định của Chủ tịch UBND địa phương.
Về các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý khẩn trương thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền mặt để thanh toán. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn chỉnh và đưa vào ứng dụng phần mềm giám sát, truy vết đối tượng.
Nhấn mạnh chủ trương hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam có lộ trình chặt chẽ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần ngăn chặn tối đa nguồn lây từ nước ngoài. Các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19 khi mà giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy cũng là yêu cầu cấp bách…
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tiếp theo các gói hỗ trợ thì nên có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe thêm ý kiến, để kiểm tra, “xem sự hỗ trợ của chúng ta đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc”.
Thủ tướng mong muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, các hiệp hội… để có quyết sách đúng. Do đó, cần tổ chức hội nghị này nhằm xử lý, giải quyết các vấn đề, hỗ trợ, động viên, lắng nghe ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phản ánh tâm tư, nguyện vọng để khắc phục các bất cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên.
Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy. “Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”, Thủ tướng khẳng định.
Sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch. Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển. Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch có thể còn kéo dài
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 13/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh bệnh và giải pháp ứng phó.
Các ngành liên quan cũng thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách toàn xã hội hay không, hình thức áp dụng như thế nào, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ phòng chống dịch và dự trữ quốc gia; xuất khẩu trang thiết bị y tế có kiểm soát…
Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, các ý kiến khẳng định: Thời gian qua, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.
Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19. Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn…
Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của”, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.
Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh., tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.
Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm…
Có thể cách ly thêm một thôn của xã Mê Linh
Ổ dịch COVID-19 tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đang diễn biến phức tạp, huyện Mê Linh đề xuất mở rộng xét nghiệm sang các hộ dân thuộc thôn Liễu Trì và chuẩn bị phương án có thể cách ly toàn bộ thôn Liễu Trì, xã Mê Linh nếu tại thôn có trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội ngày 13/4, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan sang thôn khác của xã Mê Linh. Bệnh nhân số 259 có sang thôn Liễu Trì (thuộc xã Mê Linh) để giao hàng hoá (cụ thể là hoa), tiếp xúc với nhiều người.
Thôn Liễu Trì tiếp giáp với thôn Hạ Lôi một con đường, có hơn 400 hộ dân, khoảng 2.000 người. Liên quan đến ổ dịch thôn Hạ Lôi này, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, hiện còn một số ca nghi ngờ, có biểu sốt và dịch bệnh có nguy cơ lây lan sang thôn khác của xã Mê Linh.
Huyện đề xuất mở rộng xét nghiệm các hộ dân thôn Liễu Trì và chuẩn bị phương án có thể cách ly thêm toàn bộ thôn này nếu có trường hợp tại thôn dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Huyện Mê Linh đã chỉ đạo rà soát chợ hoa Mê Linh và xác định có liên quan đến bà con các xã Văn Khê, Đại Thịnh, Mê Linh. Huyện Mê Linh đã thống kê được hơn 700 người từng đi, đến chợ hoa; yêu cầu cách ly tại nhà.
Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Thái cho biết, địa bàn thôn Hạ Lôi có 10 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Xã Mê Linh thời gian qua nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như vật chất của Trung ương, Thành phố, các sở ban ngành, đoàn thể, đơn vị, cá nhân. Toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi đã được lấy mẫu xét nghiệm, nhân dân yên tâm thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế…
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người dân vùng này trồng khoảng 100 ha hoa cung cấp trong địa bàn thành phố. Trong đó, những người mua bán hoa (chủ yếu là bán lẻ) ở các chợ đều có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Từ đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện, đặc biệt là các huyện có chợ hoa như Mê Linh; Đông Anh, quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các quận có nhà tang lễ (nhận hoa từ các vùng hoa) là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, cần rà soát, theo dõi kỹ những người thuộc nhóm nguy cơ trên.
Về một số quan điểm khác nhau của chuyên gia về nguồn gốc lây nhiễm ca bệnh ở Hạ Lôi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Chúng tôi rà soát những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai thì mới ra bệnh nhân 243 và từ bệnh nhân này mới ra các bệnh nhân khác ở Hạ Lôi. Chúng ta phải khẳng định điều này. Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai là có nguy cơ cao".
Về công tác y tế, ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, việc cách ly y tế trong thôn Hạ Lôi, Mê Linh được thực hiện rất tốt. "Bà con trong thôn Hạ Lôi không thiếu thốn gì trong những ngày cách ly. Nhà ai trong thôn cũng đảm bảo “cửa đóng, then cài”, đảm bảo cách ly tại nhà. Nếu khoanh vùng thực hiện nghiêm túc như hiện nay thì cộng đồng sẽ “trong sạch” trở lại", ông Trần Như Dương chia sẻ.
TTXVN