Ngành Quân khí lần đầu tham gia Hội thao Army Games 2021: Quyết tâm cao vì màu cờ sắc áo
Đại tá Vũ Hồng Giang tại Lễ ra quân huấn luyện tham gia Army Games của Đội tuyển Quân khí.
Chỉ còn ít ngày nữa, vào đầu tháng 8-2021, Đội tuyển Quân khí của QĐND Việt Nam sang Iran để tham gia Hội thao Quân sự quốc tế năm 2021. Đây là lần đầu tiên, chúng ta tham gia ở nội dung này. Vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào? Phóng viên Báo CCB Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa đồng chí, theo quy chế của Hội thao thì đội tuyển Quân khí của chúng ta sẽ phải trải qua những nội dung thi nào?
Đại tá Vũ Hồng Giang: Theo Quy chế của Hội thao thì môn thi Quân khí của chúng ta sẽ có 4 nội dung thi: Một là, thi tháo lắp, sữa chữa pháo phản lực BM21; thứ hai, thi tháo lắp, sửa chữa pháo mặt đất 122-D130; thứ ba, thi tháo lắp, sửa chữa pháo cao xạ 23ly; thứ tư, thi tháo lắp sửa chữa súng bộ binh. Súng bộ binh có ba loại: Một là súng ngắn, hiện nay chúng ta chưa biết là súng ngắn loại gì, hai là súng tiểu liên AK47, ba là súng trung liên PKM. Trong 4 nội dung này thì các nội dung thi đều khó khăn với chúng ta. Khó khăn ở chỗ, yêu cầu về thể lực rất lớn, thể lực càng tốt thì tốc độ thi đấu mới nhanh. Đối với Việt Nam chúng ta kỹ năng tháo lắp có thể khắc phục được nhưng về thể lực là còn khó khăn.
PV: Với 4 nội dung thi mới và khó, lại là lần đầu tiên chúng ta tham gia ở nội dung này. Vậy công tác tuyển chọn các thành viên của Đội thi đã được các đồng chí thực hiện như thế nào?
Đại tá Vũ Hồng Giang: Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về Quy chế của Hội thao. Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã lựa chọn các tuyển thủ thợ quân khí trong toàn quân. Gồm: Thợ sửa chữa, thợ điện và lái xe. Lái xe cũng coi như là một thợ quân khí, bởi vì đồng chí lái xe này cũng phải tham gia tháo lắp, sửa chữa vũ khí như một người thợ quân khí bình thường. Đầu tiên chúng ta lựa chọn 74 đồng chí. Qua 4 giai đoạn huấn luyện, mỗi giai đoạn chúng tôi lại tổ chức sàng lọc một lần, đầu tiên là sàng lọc về thể lực, sức khỏe; sàng lọc thứ hai là về sức khỏe, chuyên môn. Qua sàng lọc, đến nay Đội tuyển còn 19 đồng chí. Theo Quy chế của Hội thao, Đội tuyển sẽ có 14 đồng chí chính thức, 3 đồng chí dự bị. Trước khi lên đường thi đấu Đội tuyển sẽ phải loại tiếp 2 đồng chí nữa.
PV: Đội tuyển của chúng ta tập luyện ở trong nước với vũ khí của chúng ta nhưng khi thi đấu thì lại ở thao trường với vũ khí của nước đăng cai. Đây có phải là khó khăn lớn nhất của chúng ta không?
Đại tá Vũ Hồng Giang: Theo thông báo Ban Tổ chức thì phần lớn vũ khí để thi, Quân đội đều có trang bị, nên đây cũng là một thuận lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, các loại trang bị có cùng tên nhưng đời lại có thể khác nhau về mặt kết cấu. Chúng ta cũng chưa biết bên Iran người ta có pháo giống như chúng ta hoàn toàn về mặt kỹ thuật không? Chỉ cần khác một số chi tiết thì việc tháo lắp đã khó khăn hơn rất nhiều.
PV: Lần đầu tiên chúng ta tham gia thi Quân khí mà lại thi đấu với các đội mạnh như Nga, Uzbekixtan, đây cũng là một áp lực rất lớn với chúng ta, thưa đồng chí?
Đại tá Vũ Hồng Giang: Lần đầu tiên Đội tuyển Quân khí tham gia nên có rất nhiều khó khăn. Trước hết là về giáo án huấn luyện, gần như chúng tôi vừa tập, vừa tìm hiểu, vừa xây dựng và chúng ta nằm trong bảng thi đấu mà thành tích của các đội bạn rất cao. Như năm 2020, đội Nga đứng thứ nhất, đội Uzbekixtan xếp thứ nhì, mà chúng ta lại nằm trong bảng có cả Nga, Uzbekixtan và Iran là nước chủ nhà. Do đó áp lực để giành giải rất lớn; tất cả thành viên Đội tuyển đều quyết tâm rất cao, với mong muốn mang về huy chương cho Ngành Kỹ thuật nói chung, Ngành Quân khí nói riêng và vinh quang cho Quân đội cũng như đất nước Việt Nam.
PV: Xin chúc cho đội tuyển Quân khí sẽ đạt giải cao, mang vinh quang về cho đất nước. Xin cảm ơn Đại tá Vũ Hồng Giang về cuộc trao đổi này.
Trường Giang (thực hiện)