Ngân vang tiếng hát CCB Phố Hiến

Tiết mục biểu diễn của Hội CCB huyện Kim Động.

Đến với Liên hoan Tiếng hát CCB tỉnh Hưng Yên năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi cảm nhận đượctinh thần lạc quan, yêu âm nhạc, nghệ thuật của cán bộ, hội viên CCB trong toàn tỉnh.

 Tham gia liên hoan có 10 đội văn nghệ với 30 tiết mục đến từ Hội CCB các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi đội thực hiện 3 phần thi gồm: Màn chào hỏi, tiểu phẩm, biểu diễn tiết mục văn nghệ. Với CCB quê hương Phố Hiến, nếu như trong chiến tranh, văn nghệ đã góp phần làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ tăng thêm ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu hy sinh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì trong hòa bình thông qua lời ca, tiếng hát mỗi CCB tiếp tục khẳng định vai trò gương mẫu, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng cuộc sống mới dưới sự lãnh đạo của Đảng

Đúng như đồng chí Nguyễn Anh Lộc - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nét nổi bật và sáng tạo là các tiểu phẩm ngắn phản ánh đời sống hiện thực, những bài học về nhân sinh quan sâu sắc, thắm đượm tình người, tình đồng chí đồng đội, những tấm gương CCB hết lòng vì cộng đồng”.

Mặc dù chỉ là những ca sĩ, diễn viên không chuyên, nhưng từng tiết mục đều được các “diễn viên” biểu diễn hết mình với lòng nhiệt tình và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao. Mỗi khi cất lên lời ca hào hùng của các ca khúc cách mạng, tất cả khán giả và mọi người tham gia liên hoan đều cảm thấy rạo rực trong tim tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Khán giả được sống lại ký ức với những ca khúc đi cùng năm tháng, để cùng tìm về "một thời đạn bom, một thời hòa bình" qua các giai điệu lúc mạnh mẽ, hào hùng, khi trầm lắng, yêu thương qua những giai điệu hát chèo như: “Lá cờ Đảng”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người về nghe tiếng sóng ru”, “Đất nước trọn niềm tin”, “Nỗi nhớ CCB”, “Hành khúc CCB Việt Nam”, “Cánh gió biên cương”...

Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị tham gia Liên hoan.

Điểm nhấn của liên hoan là các tiểu phẩm ngắn phản ánh đời sống hiện thực, những bài học về nhân sinh quan sâu sắc, thắm đượm tình người, tình đồng chí đồng đội, những tấm gương CCB hết lòng vì cộng đồng. Bằng những câu chuyện chân thật, viết lên thông qua lời văn mộc mạc, giản dị, cảm động qua hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa xoay quanh nội dung cần tuyên truyền như: “Tôi vẫn là người lính”, “Phải tự trách mình”, “Hương bưởi”, “Chuyện làng quê”, “Kỷ vật người lính”, “Người vác tù và hàng tổng”, “CCB tham gia bảo vệ môi trường”…

Đồng chí Phạm Văn Thông - Chủ tịch Hội CCB huyện Khoái Châu cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong mỗi câu chuyện thời chiến của các CCB và người thân luôn gắn với những kỷ vật. Nếu thoạt nhìn qua, sẽ chẳng ai biết được, đằng sau đó là những câu chuyện rất dài, chứa nụ cười, nước mắt và cả máu xương của không chỉ một người mà cả một thế hệ. Tiểu phẩm “Kỷ vật người lính” thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu, thể hiện ý chí, lý tưởng sống, chiến đấu của một chiến sĩ đã anh dũng hy sinh qua kỷ vật là lá thư - nhịp cầu thông tin nối liền tiền tuyến với hậu phương và chiếc lược nhôm được một CCB lưu giữ và mong mỏi tìm được người thân của liệt sĩ để trao lại. Và may mắn đã mỉm cười, khi người con của liệt sĩ tình cờ gặp được đồng đội của cha trong khi làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng Nông thôn mới”.

Hội CCB huyện Ân Thi với tiểu phẩm “Hương bưởi” đem đến Liên hoan  câu chuyện về gia đình của một CCB từng công tác ở Trường Sa. Nút thắt của tiểu phẩm là việc người con trai đã nhận được giấy trúng tuyển đại học nhưng muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi tiếp tục việc học tập. Mong muốn ấy vấp phải sự phản đối quyết liệt của người mẹ. Nói về “Hương bưởi”, đồng chí Lưu Ngọc Thảo - Chủ tịch Hội CCB huyện tâm sự: “Những năm gần đây, công tác tuyển quân gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua tiểu phẩm, chúng tôi muốn khơi dậy trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng của thanh niên thời nay. Nhờ sự động viên của các đoàn thể, trong đó có Hội CCB, người mẹ trong câu chuyện đã vui vẻ chấp nhận cho con trai lên đường nhập ngũ”.

Trong mỗi kịch bản, việc lồng ghép các quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của công dân được thực hiện tinh tế, dễ hiểu, không gây nhàm chán nhưng cũng không “lên gân, cường điệu” mà gần gũi với cuộc sống đời thường nên đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền giúp CCB nói riêng và nhân dân nói dung ai cũng thấy như “có mình” trong tiểu phẩm...

Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức trao giải Xuất sắc cho Hội CCB T.P Hưng Yên; 2 giải Nhất cho Hội CCB huyện Khoái Châu, Văn Giang; 3 giải Nhì cho Hội CCB huyện Phù Cừ, Ân Thi, Văn Lâm; 4 giải Ba cho Hội CCB Mỹ Hòa, Yên Mỹ, Kim Động, Tiên Du..

Đây là cơ hội để các thế hệ CCB gặp gỡ, bồi đắp tình cảm đồng chí, đồng đội, nhân lên niềm tự hào về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ hội viên CCB trong toàn tỉnh thi đua phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra.

Mai Phương