Ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiết kiệm
Hoạt động giao dịch tại một ngân hàng.
Sau khi chạm đáy vào đầu năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng trở lại. Bước sang tháng 9-2024, một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, cả ở kỳ hạn ngắn và dài hạn.
Ngày 19-9, Ngân hàng PGBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, từ 1-3 tháng. Theo biểu lãi suất huy động, kỳ hạn 1-2 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tăng 0,2%/năm, lần lượt được niêm yết tại 3,4 và 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1%/năm, lên 3,8%/năm. OCB tiếp tục tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tới 8 tháng và 0,1%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 tháng tại OCB là 3,9%/năm, 2 tháng là 4%/năm, 3-4 tháng là 4,1%/năm và 5 tháng là 4,5%/năm. Cũng với mức tăng 0,2%/năm, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-8 tháng niêm yết tại 5,1%/năm. OCB tăng 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 9-11 tháng lên 5,1%/năm.
Techcombank tăng 0.2%/năm lãi suất ở kỳ hạn dưới 3 tháng lên 3,6%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,2%/năm, lên mức 3,8%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,3%/năm lên mức 4,8%/năm. Tính từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank…
Đánh giá về xu hướng tăng lãi suất này, WiGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam) cho rằng, điểm tích cực trong động thái mới này là mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào. Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định, động thái tăng lãi suất tiết kiệm gần đây cho thấy đợt giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng Việt Nam kéo dài từ tháng 3-2023 hiện đã kết thúc. Cùng chung nhận định này, hầu hết các chuyên gia tài chính đều đánh giá các ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi suất huy động.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất tăng là do lạm phát, tỷ giá, giá vàng, song mức tăng lãi suất huy động cũng chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế lãi suất cho vay được nhận định vẫn tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới. Một số ngân hàng cho biết, điều chỉnh lãi suất huy động nhích lên nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động trên thị trường đã bật tăng 0,5-1% ở hầu hết ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức vẫn đang ở mức khá thấp. Theo đó, ghi nhận ở mức 4,5% tại 4 ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước và 5-5,5% cho các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác. Với số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, khả năng chính sách điều hành có thể tập trung hơn vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỉ giá, trong khi lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB phân tích, cầu tín dụng tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc trong các tháng cuối năm nay. Vì thế, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2-5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra vẫn duy trì mặt bằng hiện tại, trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, kích cầu tín dụng. Trước đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% theo định hướng của Chính phủ, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, áp lực tăng trưởng tín dụng trong quý II với con số thực hiện cao, kéo theo nhu cầu vốn tăng.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Đại học RMIT Việt Nam cho biết: Khi lãi suất ở Mỹ cao, giá trị đồng USD tăng, khiến giá trị tiền đồng giảm, làm tăng tỷ giá và gây bất lợi cho nền kinh tế. Với bất lợi này, việc Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ muốn giảm lãi suất là rất khó. Đặc biệt khi Chính phủ muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Để giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng phải giảm, và rủi ro kinh tế phải giảm mới có thể thực hiện được. Do đó, việc giảm lãi suất ở Việt Nam sẽ rất khó khăn khi Mỹ vẫn duy trì lãi suất cao.
Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước lựa chọn giữa việc bình ổn tỷ giá và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu muốn bình ổn tỷ giá phải tăng lãi suất, nhưng điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền. Ngược lại, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu trên 6% trong năm nay thì phải hy sinh tỷ giá. Không có giải pháp nào vẹn toàn, nên tùy vào từng thời điểm, phải chấp nhận đánh đổi mục tiêu này để đạt được mục tiêu khác.
Võ Hóa