Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp

Một điều dễ nhận ra là trong đợt tăng lãi suất huy động này các NHTM-kể cả những “ông lớn” như NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, LienVietPostBank, VPBank, MBBank... thường nhắm vào việc thu hút huy động ở các hạn gửi dài với lãi suất cao, thực chất là nhằm huy động nguồn tiền ổn định để cơ cấu lại nguồn vốn huy động, chuẩn bị cho năm tài chính 2017.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp với mặt hàng kinh doanh đặc thù là tiền tệ. Mà đã kinh doanh thì phải tuân thủ quy luật cung, cầu.
Khi cần vốn và cơ cầu nguồn hợp lý thì họ phải có những biện pháp huy động vào, mà một trong những biên pháp hút vốn đó là nâng lãi suất tiền gửi, cân đối thời hạn huy động. Cần phải nhìn nhận việc nâng lãi suất huy động vừa qua của các NHTM là một biện pháp thuận theo quy luật cung cầu nguồn tiền của các NHTM.
Ông khẳng định: “Trong thời điểm hiện nay tỷ giá huy động của các NHTM sẽ phải hạ nhiệt, ổn định trở lại”.
Phát biểu trong cuộc họp ngày 29-3, của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia tổ chức phiên họp thường kỳ quý 1-2017 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: “Tăng lãi suất” vừa qua chỉ là hiện tượng cục bộ, đã nhanh chóng được bình ổn. Thậm chí ngay trong khi tăng lãi xuất dài hạn một số NHTM vẫn giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn ngắn.
Giải thích cho động thái tăng lãi suất huy động trong thời gian qua, lãnh đạo một số NHTM cho rằng nguyên nhân vẫn là cần một nguồn ổn định, dài hạn để cơ cầu lại các khoản tín dụng bảo đảm an toàn vốn, nâng cao thanh khoản.
Các “ông chủ” nhà băng cũng khẳng định: NHNN vẫn “bơm” và “hút” tiền rất nhịp nhàng qua các kênh cấp vốn nên trong tương lai gần các NHTM chắc sẽ không cần phải tìm nguồn tiền từ nâng lãi suất tiền gửi?
Cũng có một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng có một số yếu tố khách quan tác động đến lãi suất huy động như tỷ giá đồng USD, lãi suất liên ngân hàng tăng, tỷ lệ lam phát có dấu hiệu đi lên... Nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra thì chúng ta thấy rằng cơn “sóng” tăng lãi suất đã giảm nhiệt nhanh chóng.
Xem xét thực chất tăng lãi suất của một số NHTMCP có thể thấy: Để có thể được hưởng mức lãi suất cao, điều kiện là khách hàng phải có số lượng tiền lớn. Nghĩa là, khách hàng gửi tiền nhỏ lẻ thì không tiếp cận được mức lãi suất này-trong khi đó lại là số lượng khách hàng lớn, nếu như không muốn nói là chủ yếu.
Hơn nữa, tính toán kỹ thì gói huy động kỳ hạn 5 năm lãi suất cao-rút lãi cuối kỳ, thì lợi tức thu được của người gửi cũng không cao so với gửi định kỳ hằng tháng. Đơn cử như VPBank đưa ra lãi suất 8,9% chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm (lĩnh lãi cuối kỳ) nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất định kỳ hằng tháng thì lãi suất chỉ tương đương khoảng 7,38%/năm, còn nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất hàng quý thì chỉ tương đương 7,43%/năm.
Theo phân tích của công ty chứng khoán Vietcombank, xét chung cả hệ thống ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay và trong thời gian tới không có nhiều thay đổi. Nghĩa là lãi suất cho vay sẽ ổn định, phổ biến ở mức từ 6 đến 7%/năm (ngắn hạn); 9 đến 10%/năm (trung và dài hạn).
Vietcombank nhận định, NHNN vẫn còn nhiều dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
TS. Bùi Quang Tín - Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Hiện nay với mức huy động kỳ ngắn hạn khoảng 4-4,5%; trung dài hạn 6,5-8%/năm thì lãi suất cho vay 5-7% (ngắn hạn) và 9-10%/năm (dài hạn) là hợp lý-người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương khoảng 2,5-3%, sau khi trừ đi lạm phát (giả định là 5%/năm) thì vẫn đảm bảo giá trị của đồng tiền.
Xét ở phía các NHTM, ông Tín cho rằng lợi nhuận của các Ngân hàng Việt Nam hiện nay được xem là thấp nhất ở khu vực châu Á. Nếu cộng cả các chi phí kinh doanh, hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro thì hầu như không còn khả năng để các tổ chức tín dụng tăng thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Lê Thanh Phong