Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT), từ năm 2010 đến năm 2014, chỉ tính riêng lực lượng của ngành Kiểm lâm trên địa bàn cả nước đã phát hiện, xử lý vi phạm về quản lý động vật hoang dã là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể, trong đó có 3.078 cá thể thuộc loại nguy cấp, quý hiếm. Một số loài, sản phẩm của các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ như tê tê, gấu, sừng tê giác, ngà voi đang trở thành hàng hóa được tiêu thụ trong nước và trung chuyển xuyên biên giới sang một số nước khác trong khu vực. Nặng nề nhất trong vấn nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã ở nước ta là vấn đề buôn bán, sử dụng sừng tê giác và ngà voi. Do niềm tin mù quáng được truyền khẩu về tác dụng của sừng tê giác trong việc chữa trị các trọng bệnh, đặc biệt là niềm tin có thể chữa được cả bệnh ung thư, nên nhiều người Việt Nam và Trung Quốc thi nhau tung tiền ra để mua sừng tê giác, thậm chí bị lừa mua cả sừng trâu bò về chữa bệnh. Năm 2010, con tê giác trong tự nhiên cuối cùng ở khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên đã bị sát hại; sau đó nhiều người lại lao vào cuộc đỏ đen buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi về để lại bị bắt, đối diện với vòng lao lý, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước.
Năm 2004, lần đầu tiên chúng ta phát hiện, bắt giữ lô ngà voi 750 kg nhập lậu từ châu Phi, từ đó đến nay chúng ta bắt giữ được 25 vụ với tổng số 23 tấn ngà voi, trong đó vụ lớn nhất với khối lượng 7 tấn ngà vào tháng 3-2009. Những tưởng với sự kiểm tra, xử lý quyết liệt của các ngành chức năng thì những kẻ buôn lậu đã chùn tay, nhưng chỉ trong tháng 7-2015 này, các cơ quan chức năng lại đã phát hiện, bắt giữ được ba vụ vận chuyển lậu lượng lớn ngà voi, sừng tê giác vận chuyển qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Một số loài động vật quý hiếm ở Việt Nam như tê giác Java, bò xám hiện đã tuyệt chủng trong tự nhiên; nhiều loài khác như hổ, voi, linh dương, rùa quý hiếm, đặc hữu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Theo Cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế động vật hoang dã nguy cấp (CITES), hiện cả nước ta chỉ còn 70-130 con voi, trong đó có 50 con được người dân nuôi tại các buôn làng Tây Nguyên. Còn đối với các loại động vật hoang dã khác thì trong cả năm, đặc biệt là mỗi dịp năm hết Tết đến là dịp cao điểm để nở rộ việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng như thịt, cao xương, sừng tê giác, rượu ngâm động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu biếu tặng, liên hoan. Trên đường phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn người ta không khó để bắt gặp các nhà hàng từ sang trọng đến bình dân quảng cáo và bày bán các loại thịt thú rừng, các sản phẩm từ thú rừng. Các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Cảnh sát giao thông thỉnh thoảng lại bắt được các chuyến xe ô tô chở hàng tấn tê tê, rùa hiếm, trăn… trên đường đi giao hàng cho các chủ nhà hàng hoặc xuất lậu qua biên giới. Tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã ở nước ta hiện nay đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội đất nước.
Kiểm soát và chặn đứng mọi hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã là công việc phức tạp, không thể thực hiện xong trong một sớm một chiều nhưng là việc cần làm, phải làm và đòi hỏi mọi người cùng tham gia. Công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này cần được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các lực lượng chức năng cần quản lý thị trường chặt chẽ hơn, tránh để hiện tượng xong buổi họp về bảo vệ động vật hoang dã tất cả lại ra liên hoan tại nhà hàng thịt thú rừng!
Vân Anh