Trong chuyện buôn lậu dịp cuối năm, nóng nhất là buôn lậu các mặt hàng thực phẩm, hoa quả…. Các lực lượng Quản lý thị trường, Công an trong cả nước đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc lớn nhỏ. Mới đây, tại tỉnh Lào Cai, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nông sản tươi chưa qua chế biến như nho, lê, táo, lựu lên tới 1.905kg; hàng nông sản đã qua sơ chế là 130kg (hạt đào, táo mèo) được nhập lậu. Ngày 22-10-2017, lực lượng chức năng liên ngành Thanh Hóa tiến hành kiểm tra xe 57L-8609 chở 1.000kg tai lợn đã bốc mùi ôi thiu đang trên đường đi tiêu thụ. Mới đây, tại xã Lộc Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), tổ công tác liên ngành đã phát hiện 2.405kg sản phẩm động vật hôi thối trên xe ôtô 43C-108.25 đang chở vào Đà Nẵng chuẩn bị “phục vụ” Tết. Ngày 2-12, lực lượng chức năng phát hiện 6 thùng sụn gân gà ôi thiu có tổng trọng lượng khoảng 1 tấn tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) do Nguyễn Hoàng Quân lái xe ôtô tải mang BKS 43C-108.25 nhận chở thuê số hàng trên vào Đà Nẵng… Theo Tổng cục Quản lý thị trường, buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống xảy ra chủ yếu ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng...
Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc. Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá và đường cát diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt vẫn tiếp diễn. Trong thị trường nội địa, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm xảy ra và chủ yếu là ở các tỉnh, thành phố lớn, sức tiêu thụ cao như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Không chỉ buôn lậu các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá lậu cũng là mặt hàng được các đối tượng ra sức nhắm đến. Sau hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 30, lực lượng Hải quan các cấp đã phát hiện xử lý 797 vụ/100 đối tượng vi phạm, thu giữ hơn 2,6 triệu bao thuốc lá lậu các loại; 77,6 tấn nguyên liệu thuốc lá và 25.785 điếu xì gà… Dịp Tết sắp tới, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, lực lượng Hải quan nhận thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua các tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc có chiều hướng gia tăng. Thuốc lá điếu nhập lậu xuất hiện nhiều trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Lào Cai… Lực lượng chức năng của Ngành Hải quan đang lên các phương án đấu tranh hữu hiệu, không để hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp, nghiêm trọng dịp cuối năm. Mới đây, Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện, xử lý 2 xe ô tô vận chuyển 175 thùng, tương đương 87.500 bao thuốc lá 555. Ở một vụ việc khác, lực lượng kiểm soát Hải quan Cao Bằng đã phối hợp với Công an phát hiện, thu giữ 18 tấn thuốc lá nguyên liệu (368 kiện) nhập lậu từ Trung Quốc. So với các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu tại các tỉnh địa bàn phía Nam, nhất là tuyến biên giới Tây Nam tuy giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu đã thay đổi so với năm trước cả trên tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách xuất khẩu, nhập khẩu và việc thông quan tự động để buôn lậu. Trên tuyến biên giới đường bộ, thuốc lá lậu được xé lẻ, lợi dụng đêm tối thuê người mang vác vận chuyển qua biên giới, sau đó dùng xe máy vận chuyển hoặc giấu trên các xe tải, xe khách vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Sau khi các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp phòng, chống buôn lậu, số vụ vi phạm tại tuyến biên giới Tây Nam tuy giảm, nhưng diễn biến phức tạp, xảy ra với quy mô ngày càng lớn tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Gia Lai, Kon Tum và T.P Hồ Chí Minh. Đối tượng buôn lậu thuốc lá có nhiều người là cư dân địa phương bị lôi kéo…
Mọi hoạt động buôn lậu trong dịp cuối năm tuy diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng đến sản xuất lưu thông của nền kinh tế và gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong dịp Tết nhưng chính quyền các cấp và các ngành chức năng đang thực hiện các phương án xử lý cụ thể. Người dân mong lực lượng chức năng cần có biện pháp kiên quyết, phá dỡ các xe chở hàng lậu không đảm bảo chất lượng để tránh người buôn lậu mua lại xe bị bắt tiếp tục buôn lậu và gây tai nạn trên đường. Vấn đề cốt yếu là tạo sinh kế cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vùng biên giới không tham gia làm “cửu vạn” tiếp tay cho buôn lậu. Còn người dân cần tỉnh táo, không tham gia vào các hoạt động này và cảnh giác trước các mặt hàng không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp năm hết Tết đến để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, đảm bảo một cái Tết an vui.
Hồng Hải