Ngã ba gió (17/12/2012)
“Quê em đấy”, tiếng nói sao mà ngọt thế! Giá chỉ có một mình em thì chắc chắn tôi phải cắn vào vai em một cái để em ré lên cho đã. Hình như hai đứa đọc được ý nghĩ liều lĩnh trong đầu tôi nên bấm nhau cười “khí khí”. Lại cười được rồi, chả bù cho lúc nãy, mới cách đây chừng “con dao quăng” còn ngồi ôm nhau khóc ti tỉ giữa ngã ba đường mòn…
Trăng hạ huyền lung linh huyền ảo, tô thêm sự hoang sơ, ma quái của núi ngàn. Tiếng pháo “đề-pa” từ căn cứ Lai Khê nghe xa xa, chỉ còn na ná như tiếng ho lụ khụ của những con ma Khách ở gò Đống Đa mẹ kể cho nghe hồi còn bé tẻo teo. Mẹ bảo, những con Ma Khách ấy thường đội nón mê, cứ đi dật dờ trong những đêm mưa phùn gió bấc của giêng hai, gặp nhà ai không đóng cổng là mò vào bếp ăn vụng cơm nguội, có khi ăn cả cám heo, gặp con nít là chộp lấy cho vào cái tay nải mang theo. Ngày ấy, mỗi lần tôi khóc hoặc vòi những gì ngoài khả năng của mẹ là mẹ lại dọa: “Ma Khách đấy! Ma Khách đấy!”. Tôi ôm ghì ngang sườn mẹ, rúc đầu vào nách người, lúc lúc lại ghe ghé mắt trông chừng ra xung quanh, không vòi vĩnh nữa. Nghĩ cũng buồn cười, chỉ tưởng tượng ra thôi, chứ có nghe tiếng ho lụ khụ của ma đâu. Nhưng đấy là hồi còn nhỏ, chứ lớn lên, với nam thanh niên như tôi thì đến quỷ cũng phải sợ, chứ ma với mãnh là cái “đinh” gì. Song với bọn con gái, trong những đêm trăng loãng và huyền ảo như thế này, thì tiếng động của lá rơi, các em cũng co dúm người lại, chứ chả cần đến ma. Ở nơi đây, từ ngày chúng tôi đánh quỵ cả một trung đoàn “Tia chớp nhiệt đới” Mỹ, làm cho Oét-mô-len (Tư lệnh các lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ ở Đông Dương) phải thay đổi giọng nói của mình, từ câu: “Không thể thắng” sang “có thể thua” Việt cộng, thì một tay trời vật nào đấy, đã dọa các em nhát gan rằng: “Ma Mỹ đấy! Ma Mỹ đấy!”. Một tay lính ở A44 của Phòng tình báo chiến thuật tên là Hà Dìu Chính thề sống thề chết với tôi rằng, chính hắn đã nghe thấy tiếng rên của ma Mỹ. Nó không ho lụ khụ như ma Khách mà khóc i ỉ như tiếng giun tiếng dế trong những đêm mưa dầm dề.
Vừa đi đường tôi vừa kể lại chuyện “phịa” của Hà Dìu Chính cho hai cô gái nghe. Tôi bảo, giếng i ỉ ấy, có đêm bay theo gió từ Bến Cát lên, có đêm lan theo sóng rồi tan vào bọt bèo dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có đêm lấp lóa theo luồng trăng suông rồi thấm vào đỉnh núi Bà Đen, Bà Rá. Còn những đêm trở trời như đêm nay, tiếng i ỉ lại chui ra từ đám mây đen rồi rà rẫm vào các cô gái chưa chồng! Hai đứa ôm chầm lấy tôi, kêu ré lên… Tôi khoái quá, lợi dụng ngay dịp may hiếm có, hôn nhẹ lên bờ vai cô gái có quê ở “Ngã ba Gió” thì cô kia bảo “khiếp” rồi ngồi phịch xuống nền rừng, không chịu đi nữa. Tôi ân hận không chỉ vì sự đùa bỡn quá đáng của mình mà còn xảy ra một việc hết sức hợp lý và vô lý là cả hai cô, cô nào cũng đòi đi giữa. Tôi dẫn đường, tất nhiên là phải đi trước, vậy ai đi sau đây? Trong trường hợp này, chỉ còn một cách duy nhất là cho hai cô phân thắng thua bằng “oản tù tì” mà thôi. Nhưng cái cô có quê ở “Ngã ba Gió” kia là người ma quái; dưới ánh trăng huyền ảo, cô ta thấy cô kia “ra giấy” nhanh như chớp, từ “búa” cô “ra dùi”; dùi chọc thủng giấy. Cô kia giãy đành đạch, kêu tướng lên: “Ăn gian, ăn gian! Đồ ăn gian!”. Tôi ôm bụng cười rũ rượi rồi bảo:
- Cờ bạc gian lận, ai nhanh tay nhanh mắt người ấy thắng. Giỏi cờ như Đế Thiên Đế Thích còn ăn gian nữa là…
À, thì ra cái cô ăn gian tên là Nhị, tôi hất hàm về phía cô kia, hỏi:
-
Thế còn em? Tên gì?
-
Em không có tên!
-
Lại thế nữa? Vậy anh đặt cho em cái tên là Nhất được hông?
-
Mặc kệ - cô Nhị nũng nịu – nhưng trong cuộc chơi này em phải nhất cơ!...
Dính vào bọn nhùng nhằng này là rách việc, tốt nhất là đừng có cãi. Mặt trăng đã rà rẫm sang bên kia Bảy Núi của An Giang, chúng tôi mang lương khô ra ăn, chuẩn bị đi tiếp về biên giới theo đội hình thắng, thua trong cuộc chơi “Oẳn tù tì” thì một bóng người từ trong rừng nhảy xổ ra. Hai đứa ôm chầm lấy tôi làm tôi loay hoay như gà mắc tóc, không sao gỡ được khẩu AK từ vai ra. “Thế là vào tay giặc”; một ý nghĩ thoáng qua trong đầu thì cái bóng đen kia kêu toáng lên:
- Ơ! Anh Văn! Anh Văn! Anh Văn à?
Tôi chưa biết ai vừa kêu tên mình thì hai cô gái rời tôi ra, ngồi đánh bịch xuống nền rừng, khóc tu tu!
Còn khóc nỗi gì - Cái bóng nói vẻ hậm hực - đã bảo đến “Ngã ba Gió” thì dừng lại chờ đơn vị cho người ra đón mà lại biến đi đâu làm cả phòng hết hồn. Nếu một giờ nữa mà không tìm thấy hai cô thì cái khóa mật mã của cả Đông Nam Bộ này đều phải thay đổi! Các cô có hiểu sự chết người ấy không mà còn ngồi đấy mà ti tỉ?
-
Nhưng chúng em thấy ngã ba nào cũng có gió - Hai cô vừa lau nước mắt vừa chống chế.
-
Trời đất! Sao các cô ấu trĩ thế? “Ngã ba Gió” là mật mã chứ có phải ngã ba thật đâu.
Lúc này tôi mới nhận ra cái bóng đen kia là tay Hà Dìu Chính, người đã phịa ra lời khóc i ỉ của ma Mỹ, dẫn đến cuộc chơi “oản tù tì” vừa rồi. Thấy hắn bảo “Ngã ba Gió” là mật mã chứ không phải ngã ba thật nên tôi bảo hắn:
-
Nhưng anh Văn mày đã “nhặt” được hai đứa ở ngã ba thật, đang ngồi ôm nhau khóc.
-
Điêu! - Cả hai đứa đều ngượng ngùng, đều bĩu môi và đều nháy cho nhau…
Chuyện ấy xảy ra vào giữa trận càn Đông Dương, tháng 5-1970. Sau khi chia tay Hà Dìu Chính và hai em gái ở Phòng tình báo chiến thuật của Miền, tôi đem cái bĩu môi của hai em đi khắp các chiến trường. Sáu năm sau, năm 1976, tôi được làm “lễ hạ sao” tại Hòn ngọc Viễn Đông rồi về Bắc ôn thi, thi trúng vào khoa thủy điện của Trường đại học Thủy lợi, Hà Nội…
Một hôm đang đi tào lao với tay bộ đội từ chiến khu Dương Minh Châu ra Bắc Hà ở cổng trường thì sững lại khi trông thấy một cô gái quen quen. Mắt cô gái cũng đờ đẫn, ném cho tôi cái nhìn như hỏi: “Anh phải là…? Phải là…”. Chết cha! Cái cô sợ Ma Mỹ, cái cô ở “Ngã ba Gió”, tôi kêu toáng lên:
- Nhị… Nhị… Nhị hả?
Chúng tôi quấn lấy nhau làm cho hết thảy mọi người ở cổng trường đều sững lại. Mãi sau tôi mới giới thiệu em với tay bộ đội kia. Em tủm tỉm cười, bảo:
-
Đáng ra, em phải giới thiệu anh ấy với anh mới phải…
-
Anh ấy?
-
Thì nhà em mà!
Tôi bị hẫng. Một cú hẫng gấp mấy mươi lần khi ngồi trên máy bay bay vào không khí loãng. Nhưng đời lính có biết bao cái hẫng. Với lại, đến duyên em, em phải lấy chồng thôi và em có biết tôi mang cái bĩu môi của em suốt bằng ấy năm trời đâu. Nghĩ vậy, tôi chép miệng, cho đời nó qua…
Đêm ấy chúng tôi chuẩn bị “chén chú, chén anh” tại căn phòng của nhà trường dành cho khách quý. Trước khi vào nhậu, tôi hất hàm về phía bạn mình, hỏi Nhị:
-
Em đã đưa anh này về Ngã ba Gió chưa?
-
Ngã ba Gió nào?
-
Thì quê em ấy.
Nhị cười rũ rượi rồi bảo:
-
Đấy là em “phịa!”.
-
Biết ngay mà!
-
Nhưng em cũng chỉ “phịa” có non nửa; tuy không phải Ngã ba Gió, nhưng quê em ở Ngã ba Đọ, một địa điểm trong tác phẩm “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng.
-
À! Thế ra em ở “Đất ăn chơi!”.
-
Cái anh này!
-
Vậy còn cái Nhất bây giờ ở đâu?
-
Nhất nào?
-
Cái cô chơi “oản tù tì” với em ở rừng Lộc Ninh ấy.
-
Trời đất! Tên nó là Tuyến anh ạ!
-
Cái cô chiếm giải nhất cuộc thi văn nghệ chào mừng ngày ký Hiệp định Pa-ri trong vai cô gái Xtiêng ấy à?
-
Dạ! Nó đấy. Từ ngày nghe chuyện ma Mỹ của anh, nó không dám ngồi bệt xuống đất, sợ ma Mỹ hút mất… nên toàn ngồi chồm hổm. Một lần anh Hà Dìu Chính lấy một cái chậu hấng dưới ghế nó ngồi làm cả A44 chúng em cười sặc sụa.
-
Thế có hấng được giọt nước nào hông? - Tay kia hỏi.
-
Lại còn anh nữa.
Tôi hỏi tiếp:
- Vậy bây giờ Tuyến còn ngồi thế không?
Nhị lặng đi… sụt sịt khóc… căn phòng chìm vào tĩnh mịch. Chú thạch sùng ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi vội vàng chạy biến vào cái khe trong tường. Tôi đoán là Tuyến đã nằm lại chiến trường; một lúc lâu tôi mới hỏi Nhị:
-
Vậy Tuyến hòa vào mây ngàn ở chỗ nào và thời gian nào hả em?
-
Dạ! ở ngay “Ngã ba Gió”, nơi đường 13 gặp đường 741 ở ngã ba Sở Sao, gần thị xã Bình Dương. Hôm ấy nó chuyển bức điện “thượng khẩn” cho Quân đoàn 1, khi trở về thị bị dính đạn lúc bình minh vừa lên của ngày 30-4-1975, anh ạ!
Chúng tôi thở dài não ruột rồi không một ai nâng li, không một ai cầm đũa. Đâu đó như có tiếng thác trên dòng sông Bé đổ vào công trình thuỷ điện Thác Mơ, thôi thúc gọi chúng tôi về…
C.V