Ngã ba Bến Thủy Nơi mở đầu cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh

Ngã ba Bến Thủy nằm bên tả ngạn Sông Lam, dưới chân Núi Quyết, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 5 km về phía Đông Nam, nơi gặp nhau của đoàn biểu tình và công nhân các nhà máy ở Bến Thủy, ngày 1-5-1930, mở đầu cho cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh.
Thời Pháp thuộc Ngã ba Bến Thủy thuộc làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Nhân dịp kỷ niệm Quốc tế lao động 1-5-1930 Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động phong trào kỷ niệm ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên ở Việt Nam. Xứ ủy Trung kỳ cùng các tỉnh bộ ở Nghệ -Tĩnh đã tích cực chuẩn bị thực hiện.
Mặc dù bị kẻ thủ khủng bố, đàn áp dã man, các địa phương vẫn thực hiện đúng kế hoạch. Rạng sáng ngày 1-5- 1930 ở Hà Tĩnh bên kia bờ Sông Lam đối diện với Ngã ba Bến Thủy cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên đỉnh Núi Cơm, huyện đường Nghi Xuân, Cầu Đồ Trai ( Đức Thọ), Rú Nầm ( Hương Sơn), đình Chợ Chùa ( Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên), núi Bàn Đô ( Kỳ Anh). Rất nhiều truyền đơn của Đảng rải ở Dị Long ( Hương Khê), Lạc Thiện ( Đức Thọ), tổng Lai Thạch, Phù Lưu ( Can Lộc).
Cùng với nhiều nơi trong toàn quốc sáng ngày 1-5-1930 tại Vinh - Bến Thủy đã nổ ra cuộc biểu tình lớn của công nhân, nông nội ngoại thành. Cuộc biểu tình do đồng chí Lê Mao- Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Xử ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Vinh- Bến Thủy trực tiếp lãnh đạo. Do được chuẩn bị chu đáo sáng ngày 1-5-1930 khoảng 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh ( trước thuộc huyện Hưng Nguyên, nay thành phố Vinh), Song Lộc, Tân Hợp, An Hậu, Đức Hậu ( thuộc huyện Nghi Lộc) biểu tình kéo vào thành phố Vinh để phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thực hiện các yêu sách: tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm 8 giờ. Đoàn biểu tình dương cờ búa liềm, chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và đọc bài Quốc tế ca:
“ Hỡi ai nô lệ trên đời
Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên!
Bất bình này chịu sao yên
Phá cho tan nát một phen cho rồi”.
Tên tri phủ Hưng Nguyên cho lính đến chặn đoàn biểu tình tại Nga ba Quán Lau. Đoàn biểu tình xiết chặt hàng ngũ tiến lên, đến nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, rồi kéo xuống kết hợp với công nhân các nhà máy ở Bến Thủy. Bà con huyện Nghi Xuân ( Hà Tĩnh ) sát nhập cùng đoàn biểu tình. Nhân dân trong thành phố thấy đoàn biểu tình rất khí thế nhiều người cũng tham gia. Các nhà máy ở vùng Bến Thủy bọn quan lại Nam Triều bắt lính cầm súng, cắm lưỡi lê canh gác không cho công nhân ra khỏi nhà máy. Nhưng công nhân vẫn bỏ việc tràn ra đường tham gia đoàn biểu tình. Đồng chí Nguyễn Cảnh Bình ( người làng Lộc Đa) chỉ huy đoàn biểu tình vẫy cờ búa liếm hô mọi người tiến lên. Lá cờ đỏ búa liềm của Đảng cắm 8 giờ đồng hồ trên cột đèn tại Nga ba Bến Thủy, đã khích lệ hàng vạn quần chúng nhân dân. Đoàn biểu tình hô vang như sấm “ Đá đảo bọn thực dân cướp nước”; “ phải xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò...”. Công sứ Pháp chở 10 xe ô tô lính đến chặn đoàn biểu tình ở Ngã ba Bến Thủy trước cổng nhà máy Diêm. Đồng chí Trần Cảnh Bình bị bắn chết. Đoàn biểu tình hô vang: “ Đá đảo bọn giết người” . Bọn cảnh binh bắn chết thêm 6 người nữa và bắn bị thương 18 người, bắt đi 97 người.
Biểu tình công, nông Vinh – Bến Thủy ngày 1-5-1930 là cái mốc khởi đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh, mở đầu cho hàng loạt cuộc đấu tranh sôi nổi của công, nông trong những tháng tiếp theo ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mà điểm đỉnh sáng ngày 12-9 - 1930 khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng: Phù Long, Thông Lạng ( Hưng Nguyên) và Nam Kim ( Nam Đàn) trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Hành khách trên các đoàn tàu xuống cùng tham gia với đoàn biểu tình. Chi Phia ( Nguyễn Thị Quỳnh Nga) đứng lên diễn thuyết tố cáo bọn thực dân Pháp và Nam Triều. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy một vùng. Một toán lính dùng súng bắn đe dọa, nhưng đoàn biểu tình vẫn vững vàng hàng ngũ tiến về phủ Hưng Nguyên. Đoàn biểu tình đến Thái Lão địch cho máy bay đến bắn và thả bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người bị thương.
Ngã ba Bến Thủy đã đi vào lịch sử. Để tưởng nhớ thời kỳ cách mạng oanh liệt năm 1930-1931 tỉnh Nghệ An đã xây dựng ở đây tượng đài công, nông. Ngày 16/11/1988 Bộ văn hóa ra Quyết định số: 1288-VH/QĐ công nhận Nga ba Bến Thủy di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn lâu dài và phát triển truyền thống cách mạng.

Bài và ảnh: Hải Hưng