Nếu mất bản sắc văn hóa dân tộc?

“Tiên học lễ” là nội dung lớn. Người viết bài này chỉ xin nêu một câu hỏi nhức nhối được đặt ra từ lâu: Vấn đề giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh, ai là người chịu trách nhiệm?

Chúng ta đều xót xa trước tình trạng thanh, thiếu niên hiện nay thờ ơ với truyền thống văn hóa dân tộc. Văn học - nghệ thuật thì chỉ thích xem của Tây hay của người Hàn, người Trung Quốc, mà không hiểu, không xem, không nghe, không đọc, không thích văn học, nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Ở các trường phổ thông, âm nhạc được đưa vào giảng dạy thì đa phần các thầy cô cũng chỉ dạy một số loại nhạc phương Tây chứ không dạy được nhạc cụ dân tộc. Sân khấu tuồng-chèo-cải lương thì từ lâu đã "leo lét ánh đèn". Ngay cả văn học, một môn học rất quan trọng, dùng trong xét tuyển nhiều trường đại học lớn, thì học trò chỉ lơ mơ về văn học cổ điển Việt Nam...

Nguyên nhân không phải do học sinh, vì các em như trang giấy trắng, nhà trường, gia đình mà trực tiếp là thầy cô giáo dạy thế nào, các em tiếp thu thế ấy. Những người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay sẽ ra sao, nếu như thuở ấu thơ không được nghe lời ru của mẹ, lớn lên một chút thì chỉ tiếp xúc với phim hoạt hình bạo lực... Những quan điểm, chủ trương của Đảng, những chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền về giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc được thực hiện trong thực tế cuộc sống rất ít, rất chậm, nhiều nơi bị cắt bỏ.

Tôi đã có lần trao đổi với nhà văn hóa Hữu Ngọc về thực trạng này và hỏi ông về giải pháp. Ông Hữu Ngọc đau đáu cho rằng, chúng ta đã không tạo ra môi trường, dư luận xã hội cần thiết để đề cao giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng văn nghệ cổ truyền.

Ông cho rằng, muốn thích một môn nghệ thuật truyền thống thì phải hiểu ngôn ngữ của nó thì mới hưởng thụ được. Muốn vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải được dạy về văn hóa truyền thống. Chỉ có như vậy thì văn hóa truyền thống mới trường tồn và phát triển.

Phỏng vấn những văn nghệ sĩ đang ngày đêm tâm huyết với nghệ thuật truyền thống sẽ thấy được đâu là nguyên nhân của sự thờ ơ trong lớp trẻ hiện nay. Theo các nghệ sĩ chèo thuộc Nhà hát chèo Quân đội như Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, Nghệ sĩ Ưu tú Lương Thùy Linh (những người thuộc thế hệ 7x) thì nghệ thuật chèo có ngôn ngữ riêng. Chỉ cần được học, được hiểu một chút về ngôn ngữ riêng của chèo thì sẽ thấy đây là môn nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, đã một lần thích thì khó mà bỏ được. Các môn nghệ thuật truyền thống khác cũng vậy; từ cải lương, tuồng, quan họ, then, ví giặm... nếu người trẻ được học, được hiểu thì họ sẽ có sở thích được thưởng thức. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, bậc tiểu học và trung học, nên đưa vào chương trình dạy các nghệ thuật dân tộc như nhạc, múa, sân khấu. Vai trò của nhà trường vẫn là yếu tố quyết định trong việc xây dựng môi trường xã hội đề cao giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Người Việt Nam coi trọng giá trị gia đình, đó là cơ sở để gia đình trở thành môi trường giáo dục văn hóa truyền thống. Nên chăng, mỗi người mẹ trẻ hiện nay đi học lại những bài ru con bằng các làn điệu dân ca, biết hướng con thơ chơi các trò chơi dân gian; xem các chương trình phát thanh, truyền hình về âm nhạc, sân khấu truyền thống... Chỉ có như vậy, câu hỏi nhức nhối về kế thừa, phát triển truyền thống văn hóa dân tộc mới có câu trả lời thỏa đáng.

Cách đây gần 170 năm, Karl Marx đã cảnh báo rằng: “Dân tộc nào đánh mất bản sắc thì dân tộc đó sẽ bị đồng hóa”. Giờ đây, trong “thế giới phẳng” và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nguy cơ đó lại càng trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta không thực tâm xem lại vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống, thì việc thất bại trước các cuộc tấn công mềm từ các nền văn hóa ngoại lai là điều có thể dự báo trước.

Hồng Vân