Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị (20/02/2013)
Trong Luật Phòng, chống tham nhũng, tại các Ðiều 54 và 55 có nêu trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của cấp dưới do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Song với quyền lực được trao, không ít người đứng đầu đã tận dụng hoặc tạo điều kiện cho cấp dưới cố ý làm trái các quy định của Ðảng và Nhà nước, gây lãng phí, thất thoát, hư hao tài sản của Nhà nước và dần dần họ cũng thoái hóa biến chất theo. Mặt khác, về phương diện pháp luật, chúng ta thường nói "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật", nhưng khi áp dụng thì lại có hiện tượng phân biệt, đối xử "nhẹ trên, nặng dưới", nên không mang tính răn đe. Một hệ thống pháp luật thiên về "chống" mà chưa quan tâm đúng mức và có giải pháp hiệu quả ở công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Do vậy, cần quản lý tốt người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có những biện pháp giáo dục, cảnh báo kịp thời.
Quản lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị là quản lý, đánh giá chính xác họ trong việc quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị; quản lý chặt chẽ chế độ kê khai tài sản; quản lý việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; quản lý hoàn cảnh, điều kiện sống của gia đình và các mối quan hệ xã hội...
Ðể quản lý tốt người đứng đầu, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chức năng quản lý nhân sự, các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi gia đình người đứng đầu sinh sống.
Phải duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản. Do vị trí, vai trò và quyền lực trên thực tế của người đứng đầu, nên việc phát huy dân chủ, duy trì các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình đối với người đứng đầu đòi hỏi phải phát huy cao độ tính chiến đấu của tổ chức đảng. Hoàn thiện hơn các văn bản điều chỉnh hành vi sử dụng, chi tiêu tài sản công; thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng công quỹ tại các cơ quan; ban hành cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, quần chúng giám sát việc chi tiêu công quỹ. Ðồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong toàn bộ công tác quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị, tổ chức và cả trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo NDĐT
(TH)